Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của tổ chức kinh tế hợp tác

Chính trị - Ngày đăng : 16:35, 20/09/2022

(BKTO) - Sáng 20/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).


                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, Dự án Luật bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VQPH

   

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật HTX năm 2012 gồm 09 Chương, 64 Điều), bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật hiện hành

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật HTX (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW.

Theo cơ quan thẩm tra, về cơ bản, các nội dung của 08 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung, chưa cụ thể. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là phải bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; đề nghị bổ sung nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.

Liên quan đến tên gọi của Luật, Chính phủ đề nghị đổi tên Dự án Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ tên như Luật hiện hành là Luật HTX.

Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế; tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật HTX hiện hành để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đồng thời, tổng kết Luật HTX năm 2012 để khắc phục những bất cập, tồn tại trong tổ chức hoạt động của HTX theo Luật hiện hành.

Đa số ý kiến của UBTVQH cho rằng nên giữ tên gọi của Luật như hiện hành. Bởi HTX là tên gọi có tính truyền thống, từ hàng nghìn năm nay, nhiều nước cũng gọi là Luật HTX.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của UBTVQH và của cơ quan thẩm tra tập trung vào một số vấn đề như vai trò, vị trí pháp lý, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, của Liên minh HTX; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Đồng thời, rà soát các quy định về tổ chức quản lý, quản trị, người đại diện theo pháp luật, cụ thể cho từng trường hợp, mô hình hoạt động; quy định về gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường, số lượng thành viên, thủ tục đăng ký thành lập, giải thể; về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ Nhà nước; về chế độ kế toán, kiểm toán, thông tin báo cáo; rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Đ. KHOA