Kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước năm 2013 của tỉnh Hà Nam- Kỳ 1: Đối mặt với nợ đọng xây dựng cơ bản

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:05, 04/08/2016

(BKTO) - Kết quả kiểm toán công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của tỉnh Hà Nam trong năm 2013 đã chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót, chưa đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm. Trong khi đó, tình trạng nợ đọng XDCB có xu hướng gia tăng cao; huy động vốn vay vượt mức quy định là thực trạng nan giải mà KTNN đã cảnh báo đối với địa phương này.


Số nợ đọng lớn hơn khả năng trả nợ

Theo Báo cáo kiểm toán, kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2013 của tỉnh Hà Nam được bố trí cho 115 danh mục công trình. Qua kiểm toán cho thấy, về cơ bản công tác lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh và các huyện cơ bản phù hợp với kế hoạch Trung ương, tỉnh giao; bố trí vốn đảm bảo nội dung, mục tiêu đầu tư và mức vốn được giao, điều kiện giao vốn... Tuy nhiên, việc bố trí vốn còn xảy ra tình trạng chưa phân khai chi tiết hết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm; phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa phù hợp, phải điều chỉnh nhiều lần. Phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đảm bảo thời gian phân bổ và hạn mức tối thiểu phân bổ vốn cho công trình khởi công mới. Tại một số huyện được kiểm toán như Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân còn bố trí vốn cho các dự án phê duyệt sau ngày 31/10/2012 (huyện Lý Nhân có 9 danh mục dự án, Thanh Liêm có 28 dự án khởi công mới không được bố trí kế hoạch vốn thực hiện trong năm)...

KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Hà Nam năm 2013. Ảnh: TS
Đặc biệt, việc bố trí vốn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ XDCB, dẫn đến nợ đọng có xu hướng tăng cao (năm 2013 nợ XDCB tăng 241,4% so với năm 2012). Cụ thể, tổng số nợ đến 31/12/2012 là 1.942.916 triệu đồng. Đến 31/12/2013, số nợ XDCB đã lên đến 4.689.263 triệu đồng, trong đó, nợ XDCB các dự án thuộc ngân sách cấp tỉnh 3.546.745 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố 225.892 triệu đồng; ngân sách xã 916.627 triệu đồng. Trong khi đó, việc bố trí vốn trả nợ năm 2013 cho các công trình chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số nợ XDCB của tỉnh, chưa đảm bảo xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB theo quy định (số vốn bố trí trả nợ năm 2013 cho các công trình là 162.685 triệu đồng, chiếm 8,3% tổng số vốn nợ đọng đến hết 31/12/2012). Do đó, đến hết năm 2013 địa phương khó có khả năng hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB theo quy định của Chính phủ về những giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, việc lập kế hoạch huy động vốn để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng do ngân sách cấp tỉnh chưa được thực hiện trên cơ sở cân đối với mức vốn đầu tư hàng năm dẫn tới mức dư nợ huy động hiện tại vượt quá 30% vốn đầu tư trong nước năm 2013 của ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN và Thông tư của Bộ Tài chính. Kế hoạch vốn đầu tư trong nước năm 2013 của ngân sách cấp tỉnh là 910.916 triệu đồng, dư nợ vay đến cuối năm 2013 là 517.500 triệu đồng, bằng 56,8% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trong nước năm 2013 của ngân sách cấp tỉnh - vượt so với mức quy định 26,8%. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với Sở Tài chính trong xây dựng kế hoạch và bố trí mức vốn đầu tư xây dựng chưa tốt đã làm ảnh hưởng đến việc quản lý, theo dõi bố trí vốn cũng như theo dõi nợ đọng XDCB. Do vậy, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam chấn chỉnh công tác lập kế hoạch huy động vốn đầu tư; báo cáo HĐND tỉnh về việc huy động vốn vay vượt 30% vốn đầu tư xây dựng trong nước của ngân sách cấp tỉnh; có phương án xử lý đảm bảo mức dư nợ huy động không vượt quá tỷ lệ quy định; đồng thời chấn chỉnh công tác giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng.

Nhiều sai sót trong thực hiện các dự án

Đầu tư xây dựng trong bối cảnh khó khăn, nợ đọng lớn như vậy song công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của tỉnh Hà Nam cũng xảy ra nhiều bất cập, sai sót. Tại một số dự án được kiểm toán chi tiết cho thấy, chất lượng khảo sát, lập dự án ban đầu chưa cao, hồ sơ chưa đầy đủ, chưa dự phòng các yếu tố biến động và tổng mức đầu tư dẫn tới phải phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm so với quy định. Đặc biệt, KTNN đã nêu ra hàng loạt vấn đề trong giải pháp thiết kế thi công, áp dụng định mức dự toán ở một số công trình chưa thực sự hợp lý, tiết kiệm; hồ sơ bản vẽ thi công chưa đảm bảo đầy đủ... Điển hình như, việc áp dụng định mức dự toán trong dự án Đầu tư xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Hồng chưa có sự so sánh, xem xét về tính kinh tế. Theo KTNN, nếu áp dụng định mức của Bộ Xây dựng thay cho định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì dự án này sẽ tiết kiệm chi cho NSNN khoảng 4.900 triệu đồng.

Cùng với đó, một số tiên lượng dự toán công trình được định lượng chưa có đầy đủ cơ sở. Hồ sơ dự toán lập và được duyệt còn nhiều sai sót về khối lượng, áp dụng định mức, đơn giá, cá biệt có dự án còn sai lệch, nhầm lẫn về đơn vị khối lượng dự toán làm tăng dự toán công trình. Công tác thẩm tra, thẩm định, đấu thầu còn hạn chế, chưa phát hiện và loại bỏ hết các hạn chế, tồn tại của thiết kế dự toán. Tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu chưa cao nên tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu còn thấp (tất cả các gói thầu được kiểm toán, tỷ lệ giảm giá đều không quá 0,5%). Việc nghiệm thu, thanh toán công trình vẫn phổ biến tình trạng nghiệm thu khống khối lượng, sai đơn giá, dù các đơn vị của tỉnh đã được kiểm toán nhiều lần.

Với những tồn tại trên, qua kiểm toán chi tiết 7 dự án tại 5 Ban quản lý dự án và tại 4 huyện, KTNN đã phát hiện số tiền sai sót 35.296 triệu đồng, bằng 3,4% giá trị được kiểm toán.

(Kỳ sau đăng tiếp)
NGUYỄN HỒNG