Giảm gánh nặng chi tiêu y tế

Xã hội - Ngày đăng : 18:00, 29/12/2016

(BKTO) - Việcđổi mới hệ thống y tế với hơn 80% dân số có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) được cholà giải pháp quan trọng giúp chi tiêu y tế từ tiền túi người dân giảm đáng kể.Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn không ít người bệnh phải đối mặt với những chi phíkhổng lồ khi sử dụng dịch vụ y tế… Làm thế nào để giảm chi tiêu y tế từ tiềntúi người dân, đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong chi phí y tế đang là câu hỏiđặt ra đối với ngành chức năng.


Gánh nặng chi phí y tế

Theo số liệu thống kê y tế, tại Việt Nam, tính trung bình mỗi hộ gia đình tốn 16 USD/tháng cho chi phí y tế. Chi phí này mới chỉ là các khoản tiền mà họ phải trả vào thời điểm sử dụng dịch vụ y tế gồm: Tiền khám, tiền thuốc, tiền giường, tiền xét nghiệm (chưa bao gồm tiền đi lại, bồi dưỡng, mua BHYT và các khoản được BHYT chi trả). Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhìn nhận, mặc dù chi tiền túi hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, gây ra tình trạng chi tiêu y tế thảm họa và nghèo đói cho các hộ gia đình..

Ngay đối với người bệnh có thẻ BHYT vẫn xảy ra tình trạng phải tự chi trả hoàn toàn khi sử dụng dịch vụ y tế. Kết quả nghiên cứu trường hợp của Trường Đại học Y tế công cộng về “Chi trả tiền túi đối với người có thẻ BHYT” tại Hải Dương và Hà Nội cho thấy, có 29% người bệnh tự chi trả hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh (KCB) mặc dù có thẻ BHYT; 24% tự chi trả cho các dịch vụ theo yêu cầu, ngoài phần BHYT đã chi trả; 7% chỉ trả thêm phần đồng chi trả với BHYT và mới có 40% được BHYT chi trả hoàn toàn khi đi KCB.

Mở rộng bao phủ BHYT là giải pháp tài chính để giảm chi tiêu y tế từ tiền túi người dân.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào chất lượng KCB BHYT tại tuyến cơ sở (23% số người được hỏi không sử dụng thẻ BHYT của mình; KCB vượt tuyến, trái tuyến còn khá phổ biến); do phạm vi thanh toán của BHYT bị giới hạn hoặc chỉ thanh toán một phần với một số kỹ thuật cao có chi phí lớn. Đặc biệt, người dân chưa hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình khi đi KCB BHYT.

Giảm chi từ tiền túi bằng cách nào?

TS. Đào Lan Hương - Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) - nhận định, Việt Nam đang có nguy cơ hình thành hệ thống y tế có mức chi phí cao, với tỷ trọng chi tiêu y tế trên GDP thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân do chi tiêu cho y tế chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống y tế Việt Nam cũng chịu sức ép từ những yếu tố bên ngoài như: Áp lực già hóa dân số, quá trình đô thị hóa khiến xuất hiện nhóm người nghèo thành thị…

Đại diện WB chỉ ra rằng, người Việt đang quá phụ thuộc vào KCB tại bệnh viện, nên đã tạo điều kiện để bệnh viện tăng sử dụng dịch vụ với chi phí cao. Trong khi đó, cơ chế thanh toán chưa đảm bảo chi tiêu trong khuôn khổ ngân sách; chưa giảm thiểu chi phí hay chuyển gửi bệnh nhân đến được đúng tuyến điều trị; vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc không cần thiết, bất hợp lý; giá thuốc có biến động lớn, giá đấu thầu cùng loại thuốc có khi chênh lệch nhau tới 5 lần giữa các bệnh viện.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giảm chi tiêu y tế từ tiền túi, TS. Đào Lan Hương nhấn mạnh, các hệ thống y tế dựa vào tài chính công là phổ biến chứ không phải chi tiêu từ tiền túi. Điển hình như Thái Lan, mở rộng bao phủ BHYT bằng tăng hỗ trợ từ NSNN, xây dựng gói quyền lợi chú trọng vào chăm sóc ban đầu và dự phòng. Để sử dụng nguồn quỹ hiệu quả, nước này đã ấn định mức ngân sách hằng năm cho BHYT và hạn chế mức trần chi trả. Nhật Bản - quốc gia đi trước Việt Nam trong đối phó thách thức già hóa dân số, đã xây dựng gói quyền lợi y tế với mức giá được điều chỉnh 2 năm/lần; mức đồng chi trả của bệnh nhân là 30%; người có BHYT được tự do đến các cơ sở y tế để KCB, nhưng phải trả chi phí cao hơn nếu đến những cơ sở không đăng ký trước. Hàn Quốc cũng chú trọng thực hiện BHYT toàn dân, xây dựng gói quyền lợi BHYT cơ bản và tăng cường những dịch vụ có thể thu phí cao hơn…

Để cắt giảm chi tiêu y tế từ tiền túi người dân, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cần phải mở rộng bao phủ BHYT. Tuy nhiên, Chính phủ phải cân nhắc giải pháp và tốc độ bao phủ BHYT. Đặc biệt, cần giảm giá thuốc và mức độ sử dụng thuốc (đang chiếm chủ yếu trong cơ cấu chi phí hiện nay); tăng cường trách nhiệm giải trình của bên cung ứng dịch vụ để hạn chế thu lợi từ chi phí của người bệnh; đổi mới phương thức chi trả theo phí dịch vụ. Các chuyên gia cũng lưu ý, hầu hết thành quả y tế đạt được ở các quốc gia phát triển là do y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mang lại, chứ không phải từ các can thiệp kỹ thuật cao tại bệnh viện.