Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 26/03/2018
(BKTO) - Làm thế nào để thương mại hoá kết quả nghiên cứu, chấm dứt tình trạng các đề tài nghiên cứu nằm yên trong ngăn kéo, việc sử dụng nguồn lực đầu tư và hiệu quả ứng dụng của các nghiên cứu khoa học trong phát triển kinh tế - xã hội ra sao… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại phiên chất vấn chiều ngày 19/3.
Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Nhấn mạnh khoa học có vai trò thúc đẩy và “đón trước” sản xuất, mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết cơ chế, chính sách giúp các viện, trường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại hóa và tham gia vào sản xuất. “Làm sao để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chấm dứt tình trạng các nghiên cứu nằm yên trong ngăn kéo?”- đại biểu Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận có “một hạn chế xuyên suốt” và là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành KH&CN, đó là “chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống”. Bộ trưởng khẳng định, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là một trọng tâm công tác của mình trong nhiệm kỳ khóa XIV này.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn tình trạng lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN. Để giải quyết vấn đề này, Bộ KH&CN đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Bộ KH&CN. Theo đó, Bộ không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu…
Bên cạnh đó, Bộ cũng quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa KHCN gắn kết và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối giữa viện, trường với DN để chuyển giao, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Khắc phục sự lãng phítrong nghiên cứu khoa học
Quan tâm đến hiệu quả ứng dụng của các nghiên cứu khoa học, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi chất vấn: “Hằng năm, Bộ bỏ ra bao nhiêu tiền để nghiên cứu khoa học? Hiệu quả như thế nào? Có hay không tình trạng đề tài khoa học "bỏ ngăn tủ", nghĩa là đề tài nghiên cứu chỉ để nghiên cứu chứ chẳng có tác dụng gì trong thực tế?”.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: "Với trách nhiệm trước từng đồng thuế của nhân dân, nhìn một cách tổng thể và thấu đáo thì việc chậm ứng dụng các kết quả đề tài nghiên cứu, chậm đưa vào cuộc sống là một sự lãng phí".
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cùng với việc kết nối KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&CN đang tập trung rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu KHCN, nghiên cứu ứng dụng để giải quyết một cách hệ thống vấn đề này.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận, mặc dù đã có nhiều cố gắng song tình trạng lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn. Nhiều đề tài nghiên cứu, nhất là đề tài khoa học xã hội và nhân văn không gắn với hiệu quả, không gắn với ứng dụng. "Tôi cho rằng, cần có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng nghiên cứu rất lãng phí như vừa qua. Vì 2% NSNN chi cho KHCN là không hề nhỏ" - đại biểu Cương nói.
Chia sẻ ý kiến của đại biểu Cương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để các đề tài nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực hơn. Hiện nay, nhiều địa phương gần như bỏ luôn đề tài cấp cơ sở, chỉ tập trung vào những vấn đề trọng yếu nhất của tỉnh. Bộ trực tiếp thiết kế nhiệm vụ và trực tiếp hỗ trợ. “Những cách như thế là chúng ta đang đi đúng hướng và tăng cường được hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học” - Bộ trưởng cho hay.
Một giải pháp quan trọng khác cũng được Bộ trưởng đề cập là đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho KHCN, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2016, trong tổng kinh phí dành cho hoạt động KHCN, nguồn chi từ DN đã tăng lên tới 48%. Một số DN đã đầu tư rất lớn cho KHCN như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia...
Cũng nhấn mạnh sự lãng phí nguồn lực nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu lên tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học giữa các Bộ, ngành địa phương; kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn gây lãng phí…
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của Bộ. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường thực hiện các quy định về đăng ký, lưu giữ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tăng cường kiểm soát ngay từ khâu đăng ký đề tài để tránh trùng lặp.
N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018