Vì sao ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Kinh tế - Ngày đăng : 18:36, 21/09/2022

(BKTO) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Đâu là cơ sở để ADB lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong khi Ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia trên thế giới?


                
   

Quang cảnh Họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do ADB tổ chức ngày 21/9. Ảnh: Thành Đức

   

Ổn định vĩ mô là yếu tố then chốt để kinh tế phục hồi

Tại Họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do ADB tổ chức ngày 21/9, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.”

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật 2022do ADB phát hành, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8% trong năm 2019 trước đại dịch.

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế của ABD tại Việt Nam - cho biết: So với một số nước trong khu vực, kể cả những nước có sự phục hồi tốt, hiếm nước nào có nền tảng vĩ mô ổn định như Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

“Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững mạnh giúp Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh” - ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, động lực quan trọng nữa giúp Việt Nam phục hồi và tăng trưởng chính là cân đối ngân sách ổn định và nợ công ở mức thấp.

Cũng theo ông Cường, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi vừa góp phần kiềm chế lạm phát. Tín dụng tăng mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đặc biệt, trần tín dụng 14% được cân đối giữa hạn chế lạm phát ở mức 4% và tăng trưởng kinh tế 6,5%, đây là mức phù hợp. Tỷ giá tương đối ổn định cũng góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Giá xăng dầu trên thế giới giảm cùng các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt của Chính phủ đã làm hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, giúp Việt Nam kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, việc tự cung tự cấp được nguồn lương thực, sự phục hồi chuỗi cung ứng cũng giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát trong 8 tháng năm 2022.

Box: “Nền tảng vĩ mô ổn định giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, bền vững, tăng trưởng nhanh hơn so với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế của ADB.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế của ADB cũng cho rằng, tăng trưởng GDP còn có sự đóng góp đáng kể từ lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Động lực tiếp theo đến từ sự phục hồi của nhu cầu nội địa, đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, khi chuyển từ biện pháp chống dịch ngặt nghèo sang chính sách chủ động, linh hoạt, cộng thêm các biện pháp kích cầu nền kinh tế.

Tương tự như các nền kinh tế khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại và đầu tư, giải ngân vốn FDI tăng mạnh. Xu hướng hội nhập khu vực cộng với sự gia tăng kết nối với thế giới thông qua chuỗi cung ứng cũng góp phần giúp Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.

Triển vọng tăng trưởng lạc quan nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn

Dựa trên nền tảng vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2022 và 6,7% năm 2023 đối với Việt Nam. “Đó là nền kinh tế phục hồi mạnh, bền vững trong khu vực” - ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Hơn nữa, trong khi dư địa chính sách tiền tệ đang hạn hẹp dần, sức ép lên tỷ giá, trần tín dụng gia tăng thì chính sách tài khóa vẫn còn dư địa và chúng ta nhìn thấy thu ngân sách, bội chi, nợ công trong tầm kiểm soát. Trong điều kiện đó, các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và cần tiếp tục đảm bảo cả 2 mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô.
                
   

Nguồn ADB

   

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Tỷ lệ tử vong và các ca nhiễm Covid-19 đã giảm đi nhưng biến chủng mới, làn sóng dịch bệnh vẫn có khả năng xuất hiện, cản trở đà phục hồi kinh tế. Sự gia tăng bất ổn địa - chính trị toàn cầu có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam.

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới sẽ tác động đến Việt Nam, đặc biệt là việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, “Việt Nam không nên quá vội vàng bị sức ép trong việc thắt chặt tiền tệ mà vẫn có thể duy trì điều hành chính sách này linh hoạt trong bối cảnh vĩ mô ổn định” - ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị.

Việc cải thiện điều kiện kinh doanh, thể chế cũng tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi nhanh nhưng lao động thiếu hụt sẽ cản trở sự phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Giải ngân đầu tư công và các gói hỗ trợ phục hồi là điểm nghẽn của nền kinh tế. Việt Nam có thể còn dư địa về tài khóa hoặc tiền tệ nhưng dư địa thời gian không còn nhiều, ví dụ giải ngân đầu tư công chậm. Dư địa thời gian để thực hiện các mục tiêu là điều phải hết sức quan tâm.

“Việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau” - ADB nhận định./.
THÀNH ĐỨC