Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và về đích năm 2022
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:35, 22/09/2022
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, đúng hướng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, triển vọng phục hồi tích cực và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế kế hoạch của năm đang được ghi nhận và đậm nét dần trên hầu hết các lĩnh vực.
Về tổng thể, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, động lực tăng trưởng được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; mặt bằng lãi suất, tỷ giá được duy trì hợp lý; nợ công được kiểm soát tốt. Nhiều ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, nhất là công nghiệp và dịch vụ...
Thu ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội và thu hút FDI, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện… Hệ số tín nhiệm của Việt Nam đã được Moody's nâng hạng từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “Ổn định”; được S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “Ổn định”; được Fitch nâng xếp hạng BB với triển vọng “Tích cực” và Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới. Theo Báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” của WB ngày 08/8/2022, Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% GDP và lạm phát 3,8%.
Tuy nhiên, nhiều thách thức hiện hữu ngày càng đa dạng, nổi bật là xu hướng gia tăng áp lực lạm phát tiền tệ và chi phí đẩy, lãi suất, tỷ giá, nguồn cung, giá năng lượng và một số hàng hóa cơ bản; những bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực và căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu. Đồng thời, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan hơn, khó lường hơn, ảnh hưởng to lớn hơn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Để kinh tế về đích năm 2022 và hướng tới hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2021-2025, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới.
Theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động chỉ đạo, điều hành và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế của các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả trong triển khai các phản ứng chính sách và phản ứng thị trường phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định…
Đặc biệt, thực tế đã và đang cho thấy, các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế thời gian tới cần vừa tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới; vừa có trọng tâm, trọng điểm, căn cơ, trước mắt và dài hạn; vừa chú ý bảo đảm tính đồng bộ, sự hài hòa và tính tới các tác động hai mặt, trực tiếp và gián tiếp, cùng độ trễ của các chính sách cho cả phía cung và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); vừa khôi phục, nắm bắt xây dựng mới và phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng mới trên các thị trường trong nước và quốc tế. Bảo đảm gắn kết và hài hòa các chính sách tiền tệ và tài chính, mở rộng hợp lý với an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu dịch vụ gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững...
Đồng thời, cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, thông tin, chủ động phản ứng chính sách và phản ứng thị trường theo các kịch bản thích ứng nhanh, hiệu quả, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và giữ vững niềm tin chính trị, chính sách và thị trường, bảo vệ quyền lợi người dân, doanh nghiệp và ưu tiên lợi ích quốc gia; xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng kéo dài, ứng phó kịp thời, hiệu quả với những vấn đề cấp bách phát sinh theo yêu cầu bối cảnh bình thường mới của thế giới nhiều biến động và dễ bị tổn thương hiện nay…/.