Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị và đơn vị hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 22/09/2022

(BKTO) - Chiều 21/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.


                
   

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH

   

Trình bày Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị.

Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu; quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 gồm 2 Điều, quy định về mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị; sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù; sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị; sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị…

Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày nêu rõ, Dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi 24 điều, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều và 1 Phụ lục, bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù theo hướng giảm một số tiêu chuẩn cho các đơn vị hành chính này.

Theo đó, đối với đơn vị hành chính nông thôn: giảm tiêu chuẩn quy mô dân số đối với đơn vị hành chính nông thôn ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia mà có từ 30% trở lên quy mô dân số là người dân tộc thiểu số và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; giảm tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng (đạt từ 70% trở lên) để phù hợp với đặc thù của các đơn vị hành chính ở vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số khá lớn so với các vùng còn lại.

Đối với đơn vị hành chính đô thị, giảm tiêu chuẩn quy mô dân số (đạt từ 50% trở lên), cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội (đạt từ 70% trở lên) của đơn vị hành chính đô thị ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia...

Báo cáo thẩm tra về hai Dự thảo Nghị quyết trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ; chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị quyết liên quan đến tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị.

Bên cạnh đó, hai Dự thảo Nghị quyết đã cập nhật một số nội dung trong giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Trên cơ sở thảo luận, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc ban hành 2 Nghị quyết trên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh 2 Dự thảo Nghị quyết, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Đ. KHOA