Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Ưu tiên thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ công tác giám sát của Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 23:35, 23/09/2022
(BKTO) – Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đưa vào dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 các cuộc kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH. KTNN sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung này để phục vụ công tác giám sát.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/9. Ảnh: Phạm Thắng |
Sáng 23/9, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã góp ý nhằm hoàn thiện kế hoạch, đề cương giám sát cũng như chia sẻ một số nội dung liên quan đến công tác kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, KTNN thực hiện công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán sát với yêu cầu của UBTVQH và các đại biểu Quốc hội cũng như bám sát các vấn đề nhạy cảm khác được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, KTNN đã đưa vào dự kiến kế hoạch kiểm toán việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, KTNN đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai công tác kiểm toán năm 2023 và đã trình Ban Cán sự KTNN cho ý kiến bước đầu.
Về tiến độ báo cáo kết quả kiểm toán phục vụ Đoàn giám sát, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, để đảm bảo báo cáo tổng hợp đầy đủ kết quả kiểm toán của 3 Chương trình, KTNN sẽ có báo cáo vào ngày 30/7/2023 theo kế hoạch của Đoàn giám sát. Sau đó, KTNN sẽ bổ sung các kết quả kiểm toán trong thời điểm trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề này.
“Chắc chắn KTNN sẽ ưu tiên các kế hoạch kiểm toán này để phục vụ các đoàn giám sát” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Liên quan đến đối tượng kiểm toán, ngoài các Bộ, ngành chủ trì hoặc có liên quan đến 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất KTNN sẽ lựa chọn kiểm toán tại 15 địa phương mà Đoàn giám sát dự kiến đi giám sát để có thông tin, số liệu phục vụ Đoàn giám sát nghiên cứu. Trong trường hợp Đoàn giám sát cần số liệu của các tỉnh, thành ngoài 15 địa phương này, KTNN sẽ chỉ đạo các đơn vị tham mưu cũng như các đơn vị thực hiện kiểm toán xây dựng kế hoạch kiểm toán đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.
Để công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát được hiệu quả, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, khi Đoàn giám sát làm việc với địa phương, các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN các khu vực sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Tổ giám sát trong quá trình làm việc.
Ngoài ra, góp ý vào kế hoạch giám sát, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị bổ sung phương thức giám sát của Đoàn giám sát là rà soát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai nghị quyết Quốc hội…
Liên quan đến kiến nghị của Đoàn giám sát, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất, cần tách kiến nghị cụ thể đối với 3 cơ quan chủ trì của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, vì mỗi Chương trình có chức năng, mục tiêu khác nhau thì trách nhiệm của 3 cơ quan cũng khác nhau, để từ đó có kiến nghị cho phù hợp với những phát hiện qua giám sát.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn Giám sát đề xuất 04 nội dung tập trung giám sát gồm: công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia; việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các Chương trình; kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các Chương trình.
Về phạm vi thực hiện, chuyên đề giám sát sẽ tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.
Theo kế hoạch, kết quả giám sát chuyên đề này sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.
ĐĂNG KHOA