Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, kịp thời
Kinh tế - Ngày đăng : 23:51, 23/09/2022
(BKTO) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, kịp thời, chủ động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.
Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Ưu tiên số một trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Ảnh:NHNN |
Tín dụng tăng 10,47%, thị trường ngoại tệ ổn định
Theo báo cáo của NHNN tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 diễn ra ngày 23/9, trước những tác động của tình hình thế giới cũng như các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, NHNN đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành từ ngày 23/9.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng (TCTD) đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Quý III/2022, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách tín dụng được điều hành nhằm mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng tín dụng góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 13,63% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 95,62% về số lượng và 112,15% về giá trị.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 78% về số lượng và 29,3% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 68,5% và 31,6%; qua điện thoại di động tăng 97,8% và 84,2%; qua QR code tăng 100,9% và 142,5%; giao dịch qua POS tăng 36,56% và 38,69%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 3,83% và tăng 6,61%.
Hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, NHNN xếp thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ hai về chỉ số thể chế số và xếp thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
Những kết quả đạt được trên đã góp phần tạo niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với công tác điều hành của Chính phủ, NHNN và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao công tác điều hành của NHNN thời gian qua.
Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô là ưu tiên số một
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
|
Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát nhập khẩu.
NHNN sẽ thành lập các đoàn kháo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng thương mại và các địa phương; tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.
Thông tin thêm về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh 5 mục tiêu, nhiệm vụ: Ưu tiên số một vẫn là ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hai là, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đặt ra. Ba là, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của các TCTD.
Bốn là, tiếp tục đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống các TCTD. Các công cụ điều hành chính sách tiền tệ cần phối hợp đồng bộ để đạt mục tiêu này.
Năm là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
THÀNH ĐỨC