Đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán: Trách nhiệm từ nhiều phía

Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 26/03/2018

(BKTO) - Độc lập được xem là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán được đặt ra ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong hoạt động kiểm toán, trách nhiệm không chỉ thuộc về phía Kiểm toán viên (KTV) và DN…


Độc lập là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán

Tính độc lập là nền tảng của hoạt động kiểm toán. Đây được coi là điều kiện cần thiết để DN đạt được mục tiêu trong hoạt động kiểm toán và là nguyên tắc hành nghề cơ bản của KTV. Yêu cầu về tính độc lập đòi hỏi KTV phải trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao, không bị chi phối hoặc tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất nào.

Ở Việt Nam, tính độc lập được quy định trong Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, ban hành theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể, Chuẩn mực này đã xây dựng một khuôn khổ, trong đó, yêu cầu các công ty kiểm toán và thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo phải xác định, đánh giá, khắc phục các nguy cơ đe dọa tính độc lập.

Cùng với đó, Luật Kiểm toán độc lập cũng quy định độc lập là một trong những nguyên tắc hoạt động của kiểm toán độc lập. Để đảm bảo nguyên tắc này trong hoạt động, công ty kiểm toán không được kiểm toán khi đang thực hiện hoặc để thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính (BCTC) hoặc kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán.

Báo cáo Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực, quy tắc lĩnh vực kế toán, kiểm toán do Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính công bố cuối năm 2017 đã chỉ rõ, độc lập là yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng của dịch vụ kiểm toán. Tuy nhiên, do nguồn lực và năng lực hạn chế, một số đơn vị thường dựa vào hỗ trợ của KTV để lập, trình bày các chỉ tiêu trong BCTC. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới nguyên tắc cơ bản của kiểm toán độc lập, đó là các KTV không được thỏa hiệp bằng việc ra ý kiến trên chính báo cáo mà mình tham gia soạn thảo.

Thực tế cũng cho thấy, không ít công ty kiểm toán và KTV chưa đảm bảo tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp. Do có sự thỏa hiệp, thiếu trung thực khách quan khi đưa ra các ý kiến đánh giá đối với đơn vị được kiểm toán nên một số KTV và công ty kiểm toán từng bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt, đình chỉ công tác như: Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long, Công ty TNHH Kiểm toán BDO, Công ty Kiểm toán Mỹ AA, Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội…

Doanh nghiệp, cơ quan quản lý…cùng vào cuộc

Việc KTV và công ty kiểm toán thiếu tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến các DN có lợi ích công chúng, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Do đó, để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, các chuyên gia cho rằng, KTV cần tuân thủ nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như các quy định của pháp luật.

Cùng với đội ngũ KTV, hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của công ty kiểm toán cũng là nhóm yếu tố quan trọng để đảm bảo yêu cầu về tính độc lập và chất lượng trong hoạt động kiểm toán. Từ quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Trần Hồng Kiên khuyến nghị, các công ty kiểm toán phải có những quy trình thủ tục cần thiết liên quan đến việc quản lý chất lượng kiểm toán nói chung như: tuyển dụng, đào tạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ…

Ngoài ra, các hiệp hội nghề nghiệp cần được trao quyền nhiều hơn trong việc phát triển chuẩn mực kiểm toán, kế toán cũng như đưa ra hướng dẫn về các chuẩn mực này. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung giám sát, quản lý nhiều hơn đối với các hiệp hội nghề nghiệp và công ty kiểm toán.

Mặt khác, thực tiễn hoạt động kiểm toán độc lập đã đặt ra vấn đề: ranh giới giữa tư vấn và kiểm toán. Nghĩa là, nếu công ty kiểm toán tham gia tư vấn quá sâu vào các quy trình kiểm soát của DN và sau đó lại thực hiện kiểm toán DN thì sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, thậm chí làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của các BCTC được kiểm toán (đặc biệt là BCTC của các DN tham gia thị trường chứng khoán).

Bởi vậy, “để giúp các công ty kiểm toán phát huy tốt vai trò mà không bị vướng vào những xung đột lợi ích, bên cạnh việc đưa ra những yêu cầu chung về tính độc lập trong kiểm toán, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cần phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng những yêu cầu riêng, cụ thể về ranh giới giữa kiểm toán và tư vấn cho những DN niêm yết” - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng kiến nghị.
         
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, thay thế cho Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013. Theo đó, từ ngày 01/5/2018, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm các quy định về tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp, KTV, DN kiểm toán phải chịu mức phạt từ 5 - 40 triệu đồng; thậm chí, còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán từ 3 - 6 tháng...

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018