Động lực tăng trưởng của ngành thực phẩm - đồ uống giúp doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 03:06, 25/09/2022
(BKTO) - Theo phân tích của các chuyên gia Vietnam Report, động lực tăng trưởng của ngành thực phẩm - đồ uống trong giai đoạn vừa qua đến từ 2 nguồn chính là sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa và xu hướng dịch chuyển từ các kênh truyền thống sang hiện đại được định hình bởi giới trẻ. Do vậy, tuy áp lực với các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống còn kéo dài nhưng động lực tăng trưởng của ngành giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh.
Doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh |
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm - đồ uống tăng cao
Trên thị trường thực phẩm - đồ uống, từ cả hai phía cung - cầu đều ghi nhận những tín hiệu tích cực cho quá trình tăng tốc, lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của Mordor Intelligence Inc. tháng 8/2022, mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành dịch vụ ăn uống có thể lên tới 8,5% trong giai đoạn 2022-2027. Điều này càng cho thấy thị trường có tiềm năng bùng nổ trong giai đoạn bình thường tiếp theo khi mà trước thời điểm đại dịch, CAGR giai đoạn 2021-2025 được dự báo ở mức 4,98%.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19, như vậy dư địa hồi phục và tăng trưởng của khách quốc tế còn rất lớn.
Đồng thời, sự trở lại của người lao động và sinh viên tại các thành phố trong nền kinh tế bình thường tiếp theo đã khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh gia tăng, trong đó có thực phẩm - đồ uống. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của kênh tiêu thụ tại chỗ và kênh truyền thống.
Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, phần lớn giới trẻ tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm - đồ uống thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị (98%), online (67%) và cửa hàng tiện lợi (41%).
Để đạt được “quả ngọt” như trên, các doanh nghiệp trong ngành đã và đang vững vàng vượt qua hàng loạt thách thức. So với thời điểm này cách đây một năm, khó khăn liên quan đến diễn biến dịch bệnh và logistics đã giảm nhiệt đáng kể, nhường chỗ cho lo ngại liên quan đến suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng.
Mặc dù hiện tại, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn được duy trì ổn định nhưng theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và các chuyên gia, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Cùng với đó, sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng thời gian qua chủ yếu do giá cả trung bình tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng khiến cho không chỉ doanh thu mà cả chi phí cũng tăng lên, gây sức ép lên lợi nhuận của 88,9% số doanh nghiệp được khảo sát.
Nguồn: VNR |
Áp lực đối với doanh nghiệp còn kéo dài
Theo nhận định của phần lớn chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, tuy Bộ Công Thương đã cho phép tăng giá bán các sản phẩm tiêu dùng nhanh, trong đó có sản phẩm thực phẩm - đồ uống, nhưng mức tăng khiêm tốn dưới 10% không thể bù đắp cho sự tăng mạnh của chi phí đầu vào.
Do đó, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp có thể tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu năm 2022. Thực tế, mặc dù có 66,7% số doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống tham gia khảo sát đã đạt và vượt mức doanh thu trước đại dịch nhưng chỉ có 44,4% số doanh nghiệp đạt và vượt mức lợi nhuận trước đại dịch. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng áp lực này còn kéo dài tới cuối năm 2023 (38,9%), thậm chí là tiếp theo sau đó (33,3%).
Đánh giá triển vọng ngành trong những tháng cuối năm 2022, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra lạc quan so với thời điểm cách đây một năm. Có tới 94,4% số doanh nghiệp cho rằng nửa cuối năm tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn, gấp 4,3 lần mức 21,7% của năm trước.
Điều này được minh chứng bằng niềm tin của 23,3% số doanh nghiệp vào sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đã trở nên rõ hệt hơn. Thêm vào đó, có đến 76,5% số người tiêu dùng tham gia khảo sát cho rằng tình hình tài chính của hộ gia đình trong 12 tháng sắp tới sẽ tốt hơn so với hiện tại.
Theo Business Monitor International, tổng chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2022-2025. Người tiêu dùng trong nước sẽ duy trì sức mua mạnh mẽ đối với mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, đồ uống.
Nếu như quá trình phục hồi tiêu dùng thực phẩm - đồ uống giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay chủ yếu do mặt bằng giá cả tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao cộng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics… thì khi nền kinh tế bước sang thời kỳ bình thường, trong điều kiện các yếu tố vĩ mô được kiểm soát ổn định, dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu chi tiêu cho thực phẩm - đồ uống.
Bên cạnh đó là những thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng cho thấy xu hướng dịch chuyển các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu diễn ra trong giai đoạn giãn cách xã hội đang dần hạ nhiệt. Nhu cầu đối với gạo, ngũ cốc dự kiến sẽ giảm đi đáng kể, thay vào đó là sự gia tăng trở lại của nhóm sản phẩm không thiết yếu như trà, cà phê, bia rượu, đồ uống có gas, nước tăng lực… ngay cả khi mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao.
Mức chi cho các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh vẫn tiếp tục được duy trì, ngay cả khi phải “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn Covid-19 hay khi giá cả hàng hóa gia tăng.Cùng với sự gia tăng của thu nhập, thị hiếu của người tiêu dùng cũng hướng đến các sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn với chất lượng cao, mang lại giá trị xanh và sự tiện lợi.
Đánh giá về mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các yếu tố của bao bì sản phẩm trên thang điểm 5, khảo sát cho thấy, người tiêu dùng dành sự quan tâm rất lớn tới tính tiện dụng (4,4/5), hoặc tính thân thiện với môi trường (4,3/5) bên cạnh những đặc tính cơ bản như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, in rõ thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… Gần 55% số người tiêu dùng quan tâm đến bao bì thiết kế đẹp, bắt mắt hoặc độc, lạ khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm - đồ uống./. |
QUỲNH ANH