Khuyến công đúng hướng, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 10:21, 26/09/2022
(BKTO) - Thời gian vừa qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, các chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Hoạt động khuyến công mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, đẩy mạnh hoạt động khuyến công
Theo đánh giá của ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương thời gian qua đã được phân bổ để hỗ trợ triển khai nhiều nội dung khuyến công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Số liệu báo cáo nêu rõ, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 130,4 tỷ đồng, đạt 91,7% so với kế hoạch năm (142,2 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện là 50,3 tỷ đồng, đạt 99,4% so với kế hoạch. Kinh phí khuyến công địa phương thực hiện là 80,1 tỷ đồng, đạt 87,6% so với kế hoạch (91,5 tỷ đồng).
Năm 2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 174,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với kế hoạch năm 2021 (142,1 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 79,7 tỷ đồng, chiếm 56,9% tổng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 (140 tỷ đồng) và chiếm 45,7% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 giao theo kế hoạch 94,6 tỷ đồng.
Tính đến 9 tháng đầu năm, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện ước khoảng 73,7 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch năm, cao hơn 112,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh phí kinh phí khuyến công quốc gia ước thực hiện 33,3 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm. Kinh phí khuyến công địa phương ước thực hiện 40,3 tỷ đồng, đạt 42,6% kế hoạch năm.
Ông Ngô Quang Trung cho biết, năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thiên tai tại một số khu vực đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn, Cục Công Thương địa phương đã báo cáo Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia, đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên cả nước.
Qua đó, các địa phương đã phối hợp rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn để duy trì, ổn định sản xuất. Nhiều đề án khuyến công được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn với tiểm năng, thế mạnh, làng nghề và sản phẩm truyền thống của từng địa phương trong vùng.
Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công bằng những giải pháp thiết thực
Phân tích các yếu tố giúp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công tại khu vực phía Bắc thời gian qua, ông Ngô Quang Trung nêu rõ, hoạt động khuyến công đã cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao. Việc xây dựng các đề án khuyến công dạng nhóm, điểm có các nội dung hỗ trợ đa dạng, có chất lượng và tập trung trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy các lợi thế so sánh của địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững.
Các nội dung hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ngày càng phong phú, chất lượng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng ghi nhận, các hoạt động khuyến công, nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn; khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Điều này tạo cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.
Qua đánh giá kết quả, hiệu quả của các đề án khuyến công thực hiện tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc những năm qua, Bộ Công Thương nêu rõ, nhiều đề án được triển khai phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương, đặc biệt là các đề án điểm theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
Nhờ đó đã góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đủ khả năng cạnh tranh và thay thế hàng nhập ngoại.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu được Bộ Công Thương đưa ra với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố là tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ.
Đặc biệt, cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công.
Đáng chú ý, cần phải tăng cường thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến công tại các tỉnh, thành phố.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, việc tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và tăng cường liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công vừa phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vừa tạo sự liên kết để khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.
Cần thúc đẩy liên kết, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần gia tăng tỷ trọng cơ cấu công nghiệp - ông Ngô Quang Trung cũng nhắc đến những giải pháp này với mong muốn hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố ngày càng thiết thực, mang đến lợi ích cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Để thích ứng với tình hình mới, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho rằng, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, cơ sở công nghiệp nông thôn có thể định hướng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.../.
PHÚC KHANG