Bộ Ngoại giao Indonesia: Giải quyết thiếu sót để duy trì kết quả tốt
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:06, 27/09/2022
(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Indonesia (BPK) vừa qua đã công bố Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của Bộ Ngoại giao có tựa đề “Kiểm toán nhà nước Indonesia đánh giá cao nỗ lực và sự kiên định của Bộ Ngoại giao trong việc duy trì ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần”.
Bộ Ngoại giao Indonesia. Ảnh: kemlu.go.id |
Các kiểm toán viên của BPK đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính cho năm 2015 của Bộ Ngoại giao. Bộ đã ngay lập tức điều chỉnh và cải thiện theo các khuyến nghị kiểm toán. Nhờ đó, các cuộc kiểm toán BPK thực hiện đối với Báo cáo tài chính của Bộ đối với các năm từ 2016 đến 2021 đã được đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Thành viên Hội đồng quản trị BPK Nyoman Adhi Suryadnyana cho biết: “Trong cuộc kiểm toán đối với năm tài chính 2021, chúng tôi không phát hiện được vấn đề trọng yếu nào ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo tài chính đã được trình bày trung thực và hợp lý trên mọi khía cạnh trọng yếu và tuân thủ với Chuẩn mực kế toán công”.
Ông Suryadnyana cũng khẳng định, ý kiến chấp nhận toàn phần không có nghĩa là Bộ Ngoại giao không còn hạn chế nào. BPK đã có 9 phát hiện về những điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ, không tuân thủ các quy định của pháp luật, thiếu đồng bộ trong quản lý tài chính nhà nước. Ông Suryadnyana nói: “Mặc dù không ảnh hưởng trọng yếu đến tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính nhưng các vấn đề nêu trên cần được giải quyết. Chúng tôi mong rằng các khuyến nghị kiểm toán có thể được thực hiện ngay để có thể cải thiện hiệu quả của công tác quản trị tài chính và duy trì ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần”.
BPK cho rằng, Bộ Ngoại giao có sứ mệnh giống BPK trong việc thực hiện quản lý tài chính có trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình không chỉ là nghĩa vụ của các nhà quản lý tài chính nhà nước mà là một văn hóa phải được xây dựng cùng nhau. BPK cũng sẽ tăng cường phối hợp với Bộ máy giám sát nội bộ của Chính phủ như một đối tác chiến lược trong kiểm toán việc quản lý và trách nhiệm giải trình tài chính nhà nước. Tổng Thanh tra, với tư cách là một cơ quan thuộc Bộ máy giám sát, được kỳ vọng sẽ tối ưu hóa vai trò trong việc giám sát và cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ để quản lý tài chính nhà nước có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn và tuân thủ pháp luật./.
Yến Nhi – Bé Ngọc
(Theo BPK)
(Theo BPK)