Khẳng định và phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động giám sát của Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 15:05, 27/09/2022
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VPQH |
Kết quả kiểm toán cung cấp cái nhìn tổng quan về chủ đề giám sát
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, năm 2022, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm, liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Với sự tham gia chủ động, tích cực, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH.
Nhấn mạnh điều này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2022 hoạt động giám sát của Quốc hội đã có đổi mới về thành phần khác tham gia, đó là có sự tham gia của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và KTNN. Trên cơ sở đó, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo các bộ phận giúp việc tham gia trong các vấn đề, nội dung theo yêu cầu của Đoàn. Đặc biệt, cả 4 đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 đều có lãnh đạo KTNN tham gia.
Thông qua việc tham gia hoạt động giám sát với vai trò là thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo KTNN luôn nắm bắt đầy đủ thông tin để chỉ đạo các hoạt động kiểm toán của KTNN bám sát theo nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội. Đồng thời, căn cứ vào các kết quả kiểm toán của KTNN, các thành viên Đoàn giám sát thuộc KTNN có thể cung cấp thông tin, các vấn đề lưu ý đối với từng lĩnh vực cho Đoàn giám sát, giúp Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát “đúng”, “trúng”, đi vào chiều sâu - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Hằng năm, bám sát các chuyên đề giám sát của Quốc hội, KTNN đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn và yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng các cuộc kiểm toán gắn với các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội.
Khi xây dựng phương án kiểm toán hằng năm, KTNN luôn ưu tiên tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với các nội dung thuộc các chuyên đề giám sát của Quốc hội để kịp thời báo cáo Quốc hội.
Một số chuyên đề đã được KTNN thực hiện trong những năm qua để phục vụ cung cấp thông tin số liệu cho hoạt động giám sát của Quốc hội như: chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, giai đoạn 2016-2020”; chuyên đề “Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017”; chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017”; chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”...
Thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, KTNN đã đưa ra các đánh giá sâu, rộng, toàn diện đối với những vấn đề trọng yếu, có liên quan ở nhiều cơ quan quản lý, Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
KTNN cũng đã kịp thời chỉ ra những vấn đề cơ bản, bất cập và tồn tại, sai sót điển hình thuộc các chuyên đề giám sát của Quốc hội. Qua đó giúp các đoàn giám sát của Quốc hội có được cái nhìn tổng quan về các mặt làm được, tồn tại hạn chế và lỗ hổng về cơ chế, chính sách đối với từng chủ đề được giám sát để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, KTNN thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai và minh bạch hóa kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; tạo điều kiện cho Quốc hội, UBTVQH, cử tri, nhân dân thực hiện vai trò giám sát đối với hoạt động của chính quyền các cấp.
Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng được Quốc hội, UBTVQH sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và dài hạn của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
“Kết quả kiểm toán luôn là kênh thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời để phục vụ Quốc hội, UBTVQH trong hoạt động giám sát” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Khắc phục vướng mắc, nâng cao hiệu quả đóng góp của KTNN vào hoạt động giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp của hoạt động kiểm toán đối với giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH. Một trong những hạn chế được Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ ra là đặc thù hoạt động kiểm toán mang tính hậu kiểm, kết quả kiểm toán có độ trễ (thường tối thiểu là 01 năm), nên một số trường hợp khó đáp ứng yêu cầu giám sát về tính thời sự, cập nhật.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH |
Mặt khác, do Chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước. Do đó, KTNN không kịp đưa vào kế hoạch kiểm toán hằng năm để kịp thời tổ chức kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, đặc biệt đối với các chuyên đề giám sát báo cáo Quốc hội kết quả giám sát tại kỳ họp đầu năm sau.
Bên cạnh đó, kế hoạch kiểm toán năm của KTNN được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt từ tháng 10 nên một số chuyên đề chưa trùng khớp với chuyên đề giám sát.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề xuất một số giải pháp cần xem xét trong thời gian tới.
Trong đó, Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội cần xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 01 năm).
Các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện (hằng năm, KTNN đều có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, danh mục các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm gửi Quốc hội). Đối với mỗi chuyên đề giám sát cần nghiên cứu các nội dung giám sát trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Về phía KTNN cần xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn và Kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng thời, để đảm bảo bám sát với yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH, dự kiến kế hoạch kiểm toán hằng năm cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH, các đại biểu Quốc hội trước khi Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.../.