Nghịch lý thị trường lao động những tháng cuối năm
Kinh tế - Ngày đăng : 11:06, 28/09/2022
(BKTO) - Những tháng cuối năm, thị trường lao động có tình trạng doanh nghiệp (DN) không tuyển đủ nhân lực dù đưa ra các mức lương cao. Theo các chuyên gia, sử dụng ưu đãi để hút lao động chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần khơi thông các "điểm nghẽn" của thị trường này.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh. Ảnh: Internet |
Lương cao vẫn không tuyển đủ nhân lực
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Lai Châu, Bắc Kạn, Lạng Sơn tổ chức Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo thống kê tại phiên giao dịch, đã có gần 12.000 chỉ tiêu việc làm khá đa dạng ngành nghề từ phổ thông đến kỹ thuật, chuyên gia. Mức lương cũng khá hấp dẫn từ 5 đến 15 triệu đồng, chưa kể làm thêm cũng như chính sách phúc lợi xã hội kèm theo. Tuy nhiên, phản ánh từ các DN cho thấy số lao động đi tìm việc cũng như số hồ sơ ứng tuyển đạt yêu cầu rất ít.
Ông Nguyễn Đức Huấn - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Đầu tư An Việt - cho biết, đến phiên GDVL lần này, Công ty có nhu cầu tuyển dụng 40 chỉ tiêu cho rất nhiều vị trí như: Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Trưởng phòng Kinh doanh hậu mãi, Trưởng phòng Kinh doanh phụ tùng ô tô, thợ sửa chữa ô tô, nhân viên nghiệp vụ vận tải, công nhân cơ khí… Người lao động ứng tuyển và Công ty sẽ thỏa thuận về thu nhập cho từng vị trí và tùy theo năng lực. Dù vậy, kết thúc phiên giao dịch, Công ty vẫn không tuyển đủ nhân lực như mong muốn.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các chỉ tiêu tuyển dụng trong nửa đầu tháng 9/2022 trên nền tảng tuyển dụng online vieclamtphcm.vn ghi nhận sự phân hóa rõ rệt nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề. Cụ thể, các vị trí được ưu tiên tuyển dụng cao nhất là kinh doanh - bán hàng (72%), kỹ thuật (12%), công nghệ thông tin (9%), tiếp sau là marketing, kế toán, tài chính.
Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương lập trình viên dao động từ 350 USD (Fresher) đến 1.190 USD cho vị trí Mid-Senior. Lập trình viên Senior có mức lương dao động từ 860 USD đến 1.510 USD.
Các vị trí quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ 1.410 USD đến hơn 2.300 USD. Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành.
Bộ LĐTBXH đánh giá, tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các DN có "thâm dụng lao động" trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các DN gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, ước tính, thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm.
Nâng cao kỹ năng cho người lao động
Đánh giá của Bộ LĐTBXH cũng trùng hợp với nhận định của ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Một số lĩnh vực yêu cầu lao động cao như dệt may, da giày đang thiếu hụt lao động. Tình trạng này cho thấy đã đến lúc Việt Nam phải chuyển giao từ nền kinh tế dựa vào lao động kỹ năng thấp và tài nguyên sang nền kinh tế phát triển cao hơn. Để giúp lao động bắt nhịp với giai đoạn chuyển giao đó, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng cho người lao động thông qua các dự án về đào tạo nghề.
Liên quan đến vấn đề đào tạo, ông Trần Mạnh Cường - chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Công ty Công nghệ Sapo) - chia sẻ, khi tuyển dụng sinh viên ngành thương mại điện tử vào làm việc, DN phải thực hiện đào tạo lại gần như toàn bộ.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - đại diện Manpower tại Việt Nam - cho biết, theo khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.
Ngoài kỹ năng nghề, theo ông Sơn, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Khi các DN đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động Việt Nam còn thấp.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, lĩnh vực giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển các ngành nghề mới, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các DN còn hạn chế... Do đó, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thích hợp thúc đẩy tăng cường liên kết giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo nghề.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có kỹ năng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh co biết, Bộ LĐTBXH đã và đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, DN, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề…/.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG