Những nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn của xây dựng Đảng!
Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 29/09/2022
(BKTO) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc… Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết, mang ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng Đảng.
Ảnh minh họa
Cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, TS. Lê Hải Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Nghị quyết 35) xác định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhiệm vụ này góp phần quan trọng trong việc giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng thực sự là một Đảng cách mạng chân chính, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thống nhất mục tiêu, quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị; làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm tăng thêm sức mạnh cho Đảng, để Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhân dân giao cho. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là để củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Công tác này còn góp phần đấu tranh, ngăn chặn, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của bọn cơ hội chính trị và các thế lực thù địch chống phá phong trào cách mạng vô sản, tăng cường và củng cố tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong bối cảnh hiện nay.
Đại hội XIII của Đảng đã nhận định về hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Điều đó cho thấy những nguy cơ, thách thức và đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ vẫn còn thiếu chủ động. Chính vì vậy, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là giải pháp để khắc phục hạn chế này.
Tiếp tục bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Nghị quyết 35 xác định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc...
Để thực hiện mục tiêu trên, theo TS. Lê Hải Bình, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đối với các nhà mạng, cơ quan chủ quản báo chí, trang thông tin điện tử… và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội.
Xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; đồng thời phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy tốt vai trò của các lực lượng tác chiến không gian mạng, an ninh mạng; phòng ngừa, nhận diện, phát hiện, ngăn chặn, xử lý và gỡ bỏ thông tin xấu độc, những dịch vụ, hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.
Hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã thể hiện rõ vai trò đầu mối kết nối, tập trung chỉ đạo, chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 các ban, Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tuyên truyền thông tin tích cực, chủ động viết bài đấu tranh phản bác đăng tải trên báo chí, internet, mạng xã hội; đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, triệt phá thông tin xấu độc, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm… |
THÀNH ĐỨC (ghi)