Tạo thuận lợi cho Kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:36, 29/09/2022
(BKTO) - Pháp luật về Kiểm toán nhà nước (KTNN) với vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí ở Việt Nam khá đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ và có tính tương thích cao giữa các luật liên quan. Tuy nhiên, một số quy định vẫn cần được bổ sung để góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi hơn nữa cho công tác PCTN của KTNN.
Tại Việt Nam, pháp luật về KTNN với PCTN, lãng phí khá đầy đủ, chặt chẽ, có tính đồng bộ và tương thích cao giữa các luật. Ảnh tư liệu
Các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nhấn mạnh rằng, mỗi quốc gia cần tạo điều kiện để KTNN đóng góp vào cuộc chiến chống gian lận và tham nhũng. Một trong những điều kiện thuận lợi chính là việc hoàn thiện hành lang pháp lý.
Hệ thống pháp luật khá đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ…
Tại Việt Nam, pháp luật về KTNN với PCTN, lãng phí khá đầy đủ, chặt chẽ, có tính đồng bộ và tương thích cao giữa các luật.
Điều 87 và Điều 88 của Luật PCTN (2018) quy định trách nhiệm của KTNN là “kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”; KTNN phối hợp với các cơ quan Thanh tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN. Điều 10 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (2013) cũng đã quy định về kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc “phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Nhất quán với các quy định trên và phù hợp với quan điểm của INTOSAI về vai trò của KTNN trong PCTN, Điều 32 Luật KTNN năm 2015 quy định kiểm toán tài chính phát hiện những sai lệch về thông tin tài chính trong báo cáo từ đó có thể phát hiện ra các hành động biển thủ tài sản hoặc tham nhũng như khai tăng chi ngân sách nhà nước, khai giảm thu ngân sách nhà nước; kiểm toán tuân thủ phát hiện các vi phạm quy định, trong đó có thể liên quan đến tham nhũng hay lãng phí như đấu thầu sai, gian lận hải quan, cấp phép khai thác sai quy định; kiểm toán hoạt động sẽ đánh giá tính tiết kiệm, hiệu lực và hiệu quả của tài chính công và tài sản công, đáp ứng các yêu cầu của Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, quy định KTNN kiểm tra dự toán trước khi Quốc hội phê chuẩn (Điều 10 Luật KTNN năm 2015) có ý nghĩa giảm thiểu khả năng lãng phí nảy sinh ở dự toán chi tiêu công, dự toán nợ công. Ngoài vai trò phát hiện tham nhũng, lãng phí, Luật KTNN quy định KTNN có trách nhiệm giải trình kết quả kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán. Việc giải trình kết quả kiểm toán trước Quốc hội và công khai báo cáo kiểm toán tạo sức ép và có tác dụng ngăn ngừa các hành vi vi phạm, trong đó có tham nhũng, lãng phí. Quy định KTNN theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán có tác dụng hiện thực hóa các biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm bị KTNN phát hiện.
Khi nghi ngờ có tham nhũng, KTNN “chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán”. Quy định này có ý nghĩa thực tiễn khi hành vi tham nhũng, lãng phí có tính chất phức tạp và cần điều tra sâu, KTNN đóng vai trò phát hiện để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh, làm rõ.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung thêm nhiều nội dung để quy định rõ hơn về nhiệm vụ của KTNN với PCTN, lãng phí ở khách thể kiểm toán cũng như trong cơ quan KTNN. Cụ thể, KTNN thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của Luật PCTN; ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...
Để kiểm soát quyền lực, PCTN, lãng phí ở KTNN, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN quy định Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động KTNN, PCTN trong cơ quan KTNN theo quy định của Luật PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức, viên chức thuộc KTNN. Ngoài ra, các quy định về khiếu nại, tố cáo cũng được làm rõ hơn để tạo cơ chế giám sát xã hội đối với KTNN trong sử dụng quyền lực được giao.
…nhưng vẫn cần bổ sung một số quy định
Để tăng cường hơn nữa pháp luật về KTNN trong PCTN, lãng phí và phù hợp với các quy định mới của Đảng, KTNN cần được bổ sung quyền hạn trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Theo đó, KTNN có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan (như ngân hàng, cơ quan thuế…) phong tỏa tài sản của khách thể kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định về giải trình kết quả hoạt động của KTNN trước Quốc hội, bao gồm: Chi phí thực tế đã sử dụng trong năm so với dự toán, thời gian làm việc của kiểm toán viên nhà nước, các kết luận kiểm toán so với kế hoạch… Điều này liên quan đến việc thực hành tiết kiệm của KTNN.
Hơn nữa, Nguyên tắc số 6 trong Hướng dẫn GUID9040 của INTOSAI (các thực tiễn tốt về tính minh bạch của cơ quan kiểm toán tối cao) cũng lưu ý: Báo cáo tài chính của KTNN được công khai, kiểm toán bởi cơ quan độc lập hay soát xét bởi Quốc hội; KTNN công khai ngân sách, nguồn và cách sử dụng các nguồn này; có thể thiết lập kiểm toán nội bộ (các thành viên độc lập) để soát xét và tư vấn về các quá trình quản trị tài chính và báo cáo./.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các rủi ro liên quan đến tham nhũng và thúc đẩy hệ thống quản trị hiệu lực. Việc công bố các sai phạm thông qua phát hành báo cáo kiểm toán có thể hạn chế được tác động của tham nhũng, đồng thời ngăn chặn các quan chức của chính phủ dính líu vào sai phạm hoặc hành vi tham nhũng. |
PGS, TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA - Đại học Kinh tế Quốc dân