Kiến nghị trách nhiệm đối với các dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí

Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 29/09/2022

(BKTO) - Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặc biệt lưu ý sau khi cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.


                
   

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Phiên họp thứ 15. Ảnh: quochoi.vn

   

Tổng Thư ký Quốc hội vừa ban hành Thông báo kết luận của UBTVQH về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” .

Nội dung này đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022).

Đề xuất, kiến nghị rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm

Thông báo kết luận nêu rõ, UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đoàn giám sát đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và hoàn thành nhiệm vụ do Quốc hội, UBTVQH giao.

Chất lượng cuộc giám sát đạt yêu cầu đề ra. Các nội dung nhận định, đánh giá có tính thực tiễn, có căn cứ khoa học lý luận, bám sát mục tiêu, quan điểm, phạm vi, đề cương giám sát. Các giải pháp, kiến nghị, đề xuất rõ ràng, cụ thể và có căn cứ, bảo đảm tính khả thi. Nội dung báo cáo và Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia ý kiến và cơ bản thống nhất.

Để hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát và Dự thảo Nghị quyết giám sát, UBTVQH giao Đoàn giám sát bổ sung, đánh giá sâu sắc hơn những ưu điểm, thành tựu đạt được, dẫn chứng các Bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương làm tốt; nhận diện rõ những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế.

Đồng thời, bổ sung đầy đủ thông tin, số liệu, kết quả giám sát như: danh mục dự án vi phạm quy định (gồm: dự án đầu tư không hiệu quả; dự án treo; dự án chậm tiến độ; dự án BOT, BT có vướng mắc); đất nông, lâm trường đến nay chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích; đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp để hoang hóa…

Qua đó đề xuất, kiến nghị rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ đối tượng, rõ thời gian, thời hạn hoàn thành bảo đảm tính khả thi và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan dân cử, Chính phủ, các Bộ, ngành.

Trong đó, UBTVQH đặc biệt lưu ý việc đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm, đầu tư không hiệu quả, dự án BT, BOT; diện tích đất nông, lâm trường, nông nghiệp để hoang hoá; kiến nghị trách nhiệm xử lý các tồn tại, hạn chế này, nhất là các dự án đầu tư không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí; kiến nghị, trách nhiệm thống kê thông tin, số liệu còn thiếu; thời gian, kế hoạch hoàn thành.

Quy định cụ thể thời gian xử lý các tồn tại, hạn chế

Về Dự thảo Nghị quyết, UBTVQH yêu cầu, cần quy định cụ thể trách nhiệm, thời hạn thực hiện, hoàn thành để tạo bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó, Dự thảo Nghị quyết lưu ý nhấn mạnh nội dung Quốc hội phát động cuộc vận động trong cả nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng tới tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội.

Hằng năm, Chính phủ tổ chức phong trào thi đua, ban hành chương trình hành động, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai trên toàn quốc việc thực hiện để tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc.

Dự thảo Nghị quyết cũng cần nêu rõ việc đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm. Mỗi năm tập trung một chủ đề lớn, các nội dung trọng tâm, trọng điểm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Quốc hội thảo luận và quyết định.

Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm, thời gian thực hiện đối với việc xử lý các tồn tại, hạn chế; bổ sung danh mục các dự án vi phạm kèm theo Dự thảo Nghị quyết.

Đối với thông tin, số liệu còn thiếu, chưa đầy đủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và bổ sung báo cáo Quốc hội.

Định kỳ hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết giám sát chuyên đề này, trong đó làm rõ kết quả thực hiện kiến nghị giám sát; trách nhiệm xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ; dự án đầu tư không hiệu quả; dự án BOT, BT có vướng mắc; đất nông, lâm trường cả nước chưa sử dụng; sử dụng không đúng mục đích; đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp để hoang hóa...

Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và tiếp tục giám sát các nội dung nổi cộm có liên quan.
Đ. KHOA