Tạo môi trường làm việc bình đẳng để rút ngắn khoảng cách giới

Kinh tế - Ngày đăng : 10:51, 04/10/2022

(BKTO) - Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lao động chiếm hơn 60% tổng số người trong độ tuổi lao động, cao hơn so với nhiều quốc gia (toàn cầu chiếm gần 50%). Chính vì vậy, việc tạo ra môi trường làm việc bình đẳng cho lao động nữ sẽ là giải pháp quan trọng để rút ngắn khoảng cách giới.


                
   

Tạo môi trường bình đẳng về việc làm, thu nhập cho lao động nữ là giải pháp quan trọng để thu hẹp khoảng cách giới. Ảnh:Internet

   

Chưa thực chất trong triển khai chính sách với lao động nữ

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo dựng môi trường làm việc an toàn và bình đẳng cho lao động nữ, doanh nghiệp tại Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới song phần lớn các doanh nghiệp vẫn chỉ bước đầu quan tâm phần nổi. Nói đúng hơn nếu trong cuộc sống, giới là các câu chuyện thì trong doanh nghiệp, giới lại là các con số.

Ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE - nhìn nhận việc tạo môi trường bình đẳng cho lao động nữ không chỉ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là chìa khóa để giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những định kiến về giới vẫn tồn tại nên việc triển khai các chính sách đối với lao động nữ còn khiên cưỡng và nặng về con số mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng.

Đề cập đến việc triển khai chính sách cho lao động nữ, TS,BS. Nguyễn Thu Giang- Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) - cho biết, để đảm bảo quyền cho lao động nữ, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”, mục đích của Luật là để chị em có thời gian vệ sinh, phòng tránh các bệnh phụ khoa, đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng, việc thực hiện lại rất khó, nhiều doanh nghiệp lờ đi hoặc quy ra tiền.

Cũng theo bà Giang, khảo sát mới đây của Viện Light cho thấy, nữ giới vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi khi làm việc ở các doanh nghiệp. Cụ thể, lương của lao động nữ đang thấp hơn nam, nhưng số tiền dành để chi cho gia đình lại cao hơn. Lao động nữ dành ít nhất 3 giờ mỗi ngày để làm việc nhà và hoàn toàn không được tính vào thời gian làm việc.

Sau dịch Covid-19, tỷ lệ mất việc ở lao động nữ cao hơn nam. Khi hết tuổi lao động, cứ 3 nam thì có một người hưởng lương hưu, song ở nữ, cứ 5 người chỉ một người hưởng lương hưu.

Báo cáo về công tác bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực và càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Thu hẹp khoảng cách giới về việc làm, thu nhập

Còn theo thống kê của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng).

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên theo TS. Vũ Phương Ly - Chuyên gia Chương trình UN Women Việt Nam, cần có những cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới. Ngoài ra, bà Ly còn đề xuất việc “luật hóa” các quy định pháp luật liên quan tới bình đẳng giới.

“Tại Việt Nam, ngân sách có trách nhiệm giới chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khung chính sách và pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào các hoạt động cụ thể là bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thay vì lồng ghép giới vào nhiều lĩnh vực” - bà Ly nói.

Thực tế cho thấy, để giải quyết tận gốc các vấn đề bất bình đẳng giới, mỗi người dân, nhất là nam giới cần thay đổi quan điểm, nhận thức về vai trò của từng giới trong gia đình, cộng đồng. Trên tinh thần đó, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc đưa kiến thức về giới vào đời sống. Song để có để rút ngắn khoảng cách về giới, trước hết, cần tạo môi trường bình đẳng về việc làm, thu nhập cho lao động nữ.

Để làm được việc này, “doanh nghiệp cần tham gia vào tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội vì đây không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp có một thị trường lao động coi trọng giá trị bình đẳng giới. Vấn đề giới rất đa chiều, chính vì vậy, cần có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội”- ông Lê Quang Bình nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC