Nỗi lo tại Credit Suisse: "Bóng ma Lehman Brothers" có trở lại?

Chính trị - Ngày đăng : 08:35, 06/10/2022

(BKTO)- Credit Suisse đang là tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu khi đang vướng vào những "tin đồn" sắp phá sản. Số phận bấp bênh của tập đoàn ngân hàng ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ này đang khiến thị trường tài chính toàn cầu lo sợ rằng thảm cảnh tương tự như vụ sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 sẽ lặp lại.


                
   

Credit Suisse đang phải đối mặt với những "tin đồn" bất lợi - Nguồn: Reuters

   

Credit Suisse trở thành tâm điểm chú ý của giới tài chính toàn cầu

Credit Suisse là một ngân hàng lớn và uy tín ở Thụy Sỹ với lịch sử gần 170 năm tuổi, đồng thời cũng là một trong những định chế tài chính quan trọng nhất thế giới, là một trong những "kho" quản lý gia sản cho người giàu. Nếu xét theo tiêu chuẩn giám sát của châu Âu, Credit Suisse là một trong những ngân hàng có mức vốn tốt nhất khu vực.

Cuối tuần qua, nhà băng Thuỵ Sĩ đã trở thành chủ đề được giới tài chính toàn cầu chú ý. Nhiều người suy đoán rằng ngân hàng này sắp phá sản. Credit Suisse đã phải trấn an nhà đầu tư và khách hàng, thông báo rằng công ty vẫn hoạt động hiệu quả và đang đưa mảng bán tài sản vào kế hoạch kinh doanh mới.

Nguyên nhân của "tin đồn" được cho là xuất phát từ việc các thành viên thị trường nhận thấy tín hiệu lạ.Cụ thể, chi phí bảo hiểm trái phiếu của công ty để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ tăng khoảng 15% vào cuối tuần trước, đẩy giá giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse lên350 điểm cơ bản, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra. Việc CDS của Credit Suisse tăng mạnhchứng tỏ nhiều người mua bảo hiểm vì lo ngại Credit Suisse vỡ nợ là cao.

"Tin đồn" càng lan rộng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Credit Suisse khá bết bát. Đây là hệ quả đến từ các sai lầm trong hoạt động đầu tư, đáng kể nhất là khoản lỗ 5,5 tỷ USD sau khi cho Archegos Capital Management của Bill Hwang vay tiền. Mở cửa phiên giao dịch 3/10 vừa qua, giá cổ phiếu CSGN của Credit Suisse giảm 11%, xuống mức thấp kỷ lục. Tính từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã mất 59% giá trị. Hiện giờ, vốn hóa của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 10,4 tỷ USD.

Thua lỗ trong nhiều quý

Theo Reuters, trong khi phần lớn ngân hàng công bố kinh doanh có lợi nhuận, Credit Suisse thua lỗ 3 quý liên tiếp. Chi phí đi vay Credit Suisse phải chịu tăng mạnh vì liên tục bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

Một vụ việc đẩy Credit Suisse khó khăn hơn khi Greensill Capital, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Anh và Úc phá sản. Credit Suisse phải đóng băng hàng loạt quỹ đầu tư, đồng thời phải theo đuổi vụ kiện có thể mất thời gian tới 5 năm. Credit Suisse đã đầu tư 10 tỷ USD tiền của khách hàng vào các sản phẩm của Greensill, chưa kể các khoản cho vay trị giá 140 triệu USD.

Vụ bê bối thứ hai xảy ra vào mùa xuân năm 2021, liên quan đến quỹ đầu cơ Archegos Capital Management. Quỹ đầu tư này do nhà giao dịch Mỹ gốc Á Bill Hwang sáng lập - vay những khoản tiền lớn để đầu tư vào nhiều công ty. Credit Suisse đã cho Archegos vay hàng tỷ USD để mua cổ phiếu và các tài sản khác. Credit Suisse báo cáo mức thiệt hại 4,4 tỷ franc Thụy Sĩ do vụ đầu tư Archegos. Tuy nhiên, Credit Suisse cho hay họ đang phải chịu thêm khoản lỗ trước thuế 594 triệu franc Thụy Sĩ liên quan đến vụ sụp đổ quỹ đầu cơ.

Theo Wall Street Journal, năm 2022, Credit Suisse thua lỗ hàng tỷ USD. Trong hai năm gần đây, ngân hàng này hứng chịu hàng loạt tin xấu. Tháng 2/2022, Credit Suisse tiếp tục đối mặt với thách thức mới khi một cuộc điều tra quốc tế cáo buộc ngân hàng này xử lý các khoản tiền bất hợp pháp trong suốt nhiều thập kỷ.

Giới phân tích ước tính Credit Suisse sẽ phải huy động 4-6 tỷ franc để có thể tái cấu trúc, hỗ trợ tăng trưởng và dự phòng rủi ro. Con số đó tùy thuộc vào mức độ thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư và số tiền huy động được từ việc bán tài sản. Nhà đầu tư đặt cược 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới.

"Khoảnh khắc Lehman" khó lặp lại
                
   

Vụ sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 4 tại Mỹ - Lehman Brothers năm 2008 đã mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu -Nguồn: The Guardian

   

Những "tin đồn" xoay quanh ngân hàngCredit Suisse khiến giới đầu tư lo ngại liệu lịch sử có lặp lại như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ - vụ việc đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng có rất ít khả năng “khoảnh khắc Lehman” sẽ lặp lại. Bởi môt phần ngân hàng nàynằm trong số các ngân hàng trên toàn thế giới được cho là "quá lớn để sụp đổ" sau khi Lehman Brothers vỡ nợ và buộc phải trích lập dự phòng lớn để đảm bảo có thể chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng.

Ông James Angel, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown trong cuộc phỏng vấn với tờ Forbes cho biết: “Thế giới hiện nay rất khác với năm 2008 - khi mọi người bất ngờ nhận ra thiệt hại sâu rộng trên hệ thống tài chính toàn cầu”. Tuy thị trường ngày nay cũng đang trải qua những “nhận thức đau đớn” trong bối cảnh suy thoái cận kề, “hiện giờ chúng ta không thấy bất kỳ vấn đề hệ thống lớn nào ảnh hưởng tới tất cả mọi người như năm 2008”, ông khẳng định.

Các ngân hàng cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều so với thời khủng hoảng tài chính toàn cầu, mục đích là nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng có đủ vốn. Ông Angel cho rằng phí CDS của Credit Suisse tăng cao bởi nhà đầu tư tin rằng nếu một ngân hàng gặp rủi ro vốn thì chắc chắn những ngân hàng khác sẽ lâm vào tình cảnh tương tự.

Ngoài ra, theo thống kê, tính đến cuối quý II năm 2022, số tài sản mà Credit Suisse quản lý lên đến 1.47 nghìn tỷ USD, lớn hơn nhiều so với số tài sản hơn 600 tỷ USD của Lehman Brothers khi ngân hàng này nộp đơn phá sản vào ngày 15/9/2008.Các nhà phân tích của JP Morgan cũng cho biết, dựa trên tình hình tài chính vào cuối quý II, nguồn vốn và thanh khoản của Credit Suisse hoàn toàn “khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích tại KBW, những gì Credit Suisse đang trải qua có phần giống với cuộc khủng hoảng niềm tin đã khiến ngân hàng của Đức - Deutsche Bank AG chao đảo vào 6 năm trước. Khi đó ngân hàng Đức cũng bị hoài nghi về chiến lược kinh doanh, đồng thời bị giới chức Mỹ điều tra về các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Giá CDS do Deutsche Bank phát hành tăng vọt, trái phiếu bị hạ bậc xếp hạng và một số khách hàng ngừng hợp tác.

Vài tháng sau, áp lực lắng xuống sau khi Deutsche Bank giàn xếp được mức phạt thấp hơn dự báo và huy động được 7,8 tỷ USD vốn mới để tái cấu trúc. Tuy nhiên, phải mất vài năm ngân hàng này mới thoát được vòng luẩn quẩn giữa doanh thu sụt giảm và chi phí đi vay tăng cao.

Tuy nhiên có những điểm khác biệt giữa hai ngân hàng. Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank, và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.
Nam Sơn