Tăng trưởng kinh tế phải chú trọng bảo vệ môi trường
Đối nội - Ngày đăng : 06:00, 08/12/2016
(BKTO) - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) - Bộ Kếhoạch và Đầu tư vừa đưa ra 3 kịch bản (kịch bản thấp, kịch bản cơ sở, kịch bảncao) tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với mức độ giao độngtrong khoảng 6,2% - 6,85%. Tuy tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhưng cácchuyên gia cho rằng cần phải chú trọng nhiều hơn nữa đến các vấn đề về môitrường.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.Ảnh: TS
Dự báo tăng trưởng kinh tế theo 3 kịch bản
Theo NCIF, kịch bản thấp là tăng trưởng GDP trung bình cả giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam chỉ đạt mức 6,2%. Kịch bản này diễn ra khi kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn. Ở trong nước, rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn. Đáng chú ý là kịch bản này được dự báo trên cơ sở Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Với kịch bản cơ sở, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,55%. Trong đó, các nhà nghiên cứu giả định tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình khoảng 3%. Trong nước, hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt. Các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả, giúp tăng đầu tư và xuất khẩu. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả. Điều hành chính sách, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi, nhưng về cơ bản vẫn dựa vào vốn và lao động giá rẻ, hiệu quả của nền kinh tế chưa có sự cải thiện nhiều.
Những dự báo lạc quan nhất được thể hiện trong kịch bản cao, tương ứng với tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn khoảng 6,85%. Kịch bản này có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý.
Qua đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công, năng suất lao động đạt mức trung bình của các nước ASEAN, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển, đẩy mạnh thoái vốn DNNN để đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Đồng thời, những rủi ro đối với nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính được giải quyết triệt để.
Trong 3 kịch bản trên, NCIF cho rằng kịch bản cơ sở - tăng trưởng trung bình 6,55% - có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Tăng trưởng cần quan tâm đến bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, cho dù kịch bản nào xảy ra, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích Dự báo của NCIF, nhấn mạnh Việt Nam cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI) - một chỉ số đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến động khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường - thì Việt Nam xếp thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu, nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp - trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, theo đánh giá của WB, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hằng năm.Số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 0,4% GDP mỗi năm. Trong đó, năm 2013 là năm có thiệt hại cao nhất khoảng 0,84% GDP và năm 2014 là năm thấp nhất khoảng 0,07% GDP. Mới đây nhất, số liệu của Tổng cục Thống kê nêu rõ, ước tính thiệt hại 9 tháng năm 2016 khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng, chưa kể các thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kết quả nghiên cứu của NCIF, trong giai đoạn 2016-2020, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai không được hạn chế thì tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm sẽ giảm khoảng 0,6% GDP (giai đoạn 2011-2015 đã giảm khoảng 0,4% GDP/năm); tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%; tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2% và 0,08%.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của yếu tố môi trường đến tăng trưởng, các chuyên gia của NCIF đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế nhằm hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các DN; hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường giám sát xả thải; bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp; kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép.
HỒNG THOAN