Tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chính trị - Ngày đăng : 18:05, 12/10/2022

(BKTO) - Đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đồng thời tăng tốc thực hiện Chương trình để đạt hiệu quả cao hơn.


                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Triển khai chậm, giải ngân thấp

Tại phiên họp chiều 11/10, UBTVQH đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình trong năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 Bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện.

Tính đến hết tháng 8/2022 (thời điểm báo cáo), đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình từ trung ương đến địa phương.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc đánh giá, đến nay đã cơ bản hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định về cơ chế, chính sách vận hành Chương trình.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, Chương trình triển khai rất chậm, đến nay hầu hết các dự án, tiểu dự án chưa được tổ chức thực hiện, nguồn vốn ngân sách trung ương chưa được giải ngân. Đến tháng 10/2022 mới cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

“Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn của Chương trình đã ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2021-2022; khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Tương tự, về tiến độ giải ngân, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của Chương trình trong năm 2022 trên cả nước ước đạt 7,88% với tổng kinh phí là 1.041,195 tỷ đồng, trong đó vốn của các tỉnh tự cân đối là 1.028,8 tỷ đồng, vốn bố trí từ ngân sách trung ương là 12,395 tỷ đồng.

Hội đồng Dân tộc cho rằng, tiến độ giải ngân là quá thấp. Với tiến độ triển khai số lượng dự án, công trình nhiều, nhỏ lẻ trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, do đó, trong những tháng cuối năm, các địa phương cần có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh tiến độ giải ngân mới có thể đạt 91,93% như dự kiến đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu này là khó hoàn thành.

Đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình, đánh giá cao những kết quả bước đầu và ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành đã phối hợp xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn ở Trung ương, địa phương để thực hiện Chương trình.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, nhiều ý kiến có chung đánh giá, kết quả thực hiện hiện nay là quá chậm khi còn 30 địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức thực hiện Chương trình; 7 tỉnh chưa phân bổ, giao vốn của Chương trình; tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của Chương trình trong năm 2022 trên cả nước ước đạt thấp…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc triển khai Chương trình đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Khẳng định việc thực hiện Chương trình là sự nghiệp lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực tiễn của hai chương trình mục tiêu đang triển khai cho thấy, bên cạnh nguồn lực nhà nước cần huy động từ xã hội, người dân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp… Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hỗ trợ Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm ban hành ngay các đề án, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác, tăng cường cơ chế điều phối, đẩy mạnh truyền thông, tăng tốc thực hiện để đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, đưa ra những cơ chế, giải pháp để đôn đốc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra giải ngân. Đồng thời lưu ý rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, khả thi, tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của địa phương trong thực hiện đối ứng vốn.

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp.

Cùng với đó, đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện.

Đ. KHOA