Hội nghị Trung ương 6: Quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược

Chính trị - Ngày đăng : 10:05, 13/10/2022

(BKTO) - Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng khóa XIII (Hội nghị T.Ư 6) đã khép lại sau khi hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.


Tiếp trục đảm bảo cân đốivề tài chính - ngân sách

Hội nghị T.Ư 6 diễn ra vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đang trên đà hồi phục với những con số ấn tượng, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 8,83%; thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán, tăng 22%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục duy trì xuất siêu gần 7 tỷ USD…

Mặc dù vậy, tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế. Bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị T.Ư khi xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, 2023, cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua.

Trên cơ sở đó, T.Ư đã thảo luận và thống nhất: Trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, chúng ta phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách nhà nước.

Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, T.Ư nhất trí cao phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng “dịch vụ hóa” các ngành công nghiệp; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhất trí ban hành 3 nghị quyết

Cũng tại Hội nghị lần này, T.Ư đã thảo luận các giải pháp nhằm cụ thể hóa những nội dung cốt lõi và vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, T.Ư nhất trí ban hành 3 nghị quyết có ý nghĩa chiến lược gồm: Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa X, Hội nghị T.Ư lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

T.Ư nhận định: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần phải nhận thức rõ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, T.Ư xác định, trước mắt, cần tập trung thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án và các cơ quan tư pháp; phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới…

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, với thành công của Hội nghị và sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị T.Ư lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

​LÊ HÒA