Nâng cao năng lực xác định rủi ro, sai sót trọng yếu trong kiểm toán môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:06, 13/10/2022
(BKTO) - Hiện nay, việc kiểm toán đối với nội dung môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch kiểm toán về môi trường (KTMT) của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Trong bối cảnh toàn Ngành đẩy mạnh áp dụng phương pháp kiểm toán mới dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, việc nhận diện rủi ro, sai sót trọng yếu trong KTMT tại KKT, KCN từ đó củng cố trọng tâm kiểm toán và đưa ra đánh giá kiểm toán phù hợp là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng kiểm toán.
Xác định rủi ro, sai sót trọng yếu trong KTMT tại các KKT, KCN là yêu cầu khó. Ảnh tư liệu
Kiểm toán về môi trường luôn là nội dung khó, không chỉ với KTNN mà với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Trong các tài liệu kiểm toán quốc tế đều ghi nhận, KTMT là yêu cầu cấp thiết của nhiều quốc gia; thực hiện nhiệm vụ KTMT không chỉ đòi hỏi một kỹ năng kiểm toán chuyên nghiệp cao mà kiểm toán viên còn phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề môi trường, các chính sách, chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường.
Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ môi trường, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trường kinh tế”, thời gian qua, KTNN đã nỗ lực triển khai nhiều cuộc KTMT, trọng tâm là đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN và mang lại nhiều kết quả đáng chú ý. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ xem xét, có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các rủi ro ô nhiễm môi trường có thể phát sinh.
Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, đơn vị gắn liền với nhiều cuộc KTMT của KTNN vừa qua, những kết quả trên đã góp phần thắt chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ khâu cấp phép ban đầu, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết trước khi được phép xây dựng, vận hành cũng như giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. “Kết quả kiểm toán bước đầu đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực to lớn của KTNN trong việc thực hiện trách nhiệm chung với đất nước, với xã hội về bảo vệ môi trường, đặc biệt là gắn với các KKT, KCN” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết.
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hoạt động KTMT cũng gặp phải nhiều thách thức. Đơn cử như, do KTNN không có chức năng định giá các thiệt hại gây ra cho môi trường, vì vậy để xác thực, đoàn kiểm toán chỉ có thể thuê các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá để đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường cấp quốc gia, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác này còn chưa hoàn thiện, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, số lượng, quy mô, loại hình sản xuất của doanh nghiệp trong các KKT, KCN rất đa dạng nên kiểm toán viên gặp khó khăn khi xác định tiêu chí và áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán... “Đây là khó khăn hiện hữu cần được giải quyết, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng kiểm toán, đòi hỏi của công chúng đối với vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng cao” - ông Trịnh Xuân Khiêm (Trưởng phòng, KTNN khu vực V) cho biết khi đề cập đến cuộc kiểm toán về quản lý môi trường tại KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ đang diễn ra.
Nâng cao khả năng phát hiệnrủi ro, sai sót trọng yếu
Đối với KTMT, việc xác định rủi ro, sai sót có trọng yếu để từ đó tiếp cận kiểm toán đúng hướng và đưa ra đánh giá “trúng và đúng” luôn là yêu cầu khó so với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán khác. Theo đó, để xác định rủi ro, sai sót trọng yếu, ngoài việc căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của KTNN, các quy định hiện hành về quản lý, bảo vệ môi trường nói chung và đối với các KKT, KCN nói riêng, khi tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, kiểm toán viên cần căn cứ các hồ sơ, tài liệu thu thập được và thực tế hoạt động của đơn vị để đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu một cách cụ thể hơn.
Đơn cử, đối với công tác kiểm tra, giám sát nội bộ quản lý môi trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do việc giám sát chất lượng nguồn xả thải chủ yếu dựa trên báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ do cơ sở sản xuất, kinh doanh tự thực hiện. Vì vậy “luôn tiềm ẩn rủi ro về tính đúng đắn, trung thực, đồng thời kết quả phân tích phụ thuộc nhiều vào thời điểm quan trắc và lấy mẫu, chất lượng xử lý có thể đạt yêu cầu tại thời điểm lấy mẫu nhưng không đạt yêu cầu ở các thời điểm khác” - lãnh đạo một đơn vị kiểm toán cho biết, song lưu ý để xác định bằng chứng cho những nhận định này là không dễ dàng.
Từng tham gia nhiều cuộc KTMT, Kiểm toán viên Tô Tuấn Anh (KTNN chuyên ngành III) cho biết, KKT, KCN với đặc thù là khu vực tập trung số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với đa dạng ngành nghề, quy mô nguồn thải rất lớn, có khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống. “Đây chính là những rủi ro tiềm tàng mà kiểm toán viên cần phải xác định rõ trước khi tiến hành kiểm toán” - Kiểm toán viên Tô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, trong quy trình kiểm toán hiện hành cũng nêu rõ cách thức xác định rủi ro, trọng yếu và việc áp dụng triệt để, linh hoạt phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu sẽ góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra. Việc bám sát đề cương, hướng dẫn là cần thiết, nhưng chưa đủ và để xác định được rủi ro, sai sót đòi hỏi kiểm toán viên phải vận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết sâu về lĩnh vực này để đưa ra đánh giá phù hợp. Theo đó, kiểm toán viên cần xác định rõ các trọng tâm kiểm toán trong từng nội dung; tập hợp văn bản pháp lý có liên quan đến từng trọng tâm kiểm toán; từ đó phân tích, nhận định về các sai sót, rủi ro trọng yếu.
Qua thực tiễn kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, KTMT là lĩnh vực mới, nên trong thời gian tới, KTNN cần tiếp tục nghiên cứu ban hành quy trình, văn bản hướng dẫn kiểm toán tại các KKT, KCN dựa trên Hướng dẫn KTMT. Đặc biệt, các vấn đề liên quan tới thực hiện mục tiêu đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thường phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên ngoài kỹ năng kiểm toán, còn cần trang bị thêm những kiến thức liên quan tới kinh tế - xã hội - môi trường. Do đó, KTNN cần tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên KTMT cả về số lượng và chất lượng thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm kiểm toán từ các cơ quan, tổ chức kiểm toán quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này.../.
Ngoài kiểm toán chuyên đề, KTNN cũng chú trọng kiểm toán nội dung môi trường thông qua các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, các chương trình, dự án đầu tư... Giai đoạn 2018-2021, KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trọng tâm là kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. |
PHỐ HIẾN