Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán từ nội bộ đơn vị, đoàn kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:21, 13/10/2022

(BKTO) - Trong bối cảnh nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn có hạn và yêu cầu về chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng lên, thì hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) từ nội bộ đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán đang trở thành phương thức kiểm soát hữu hiệu, đóng vai trò quan trọng, giúp cho công tác giám sát được kịp thời, thường xuyên hơn.



Tổ kiểm soát của KTNN khu vực V đang thực hiện kiểm soát tại một tổ kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

Chú trọng kiểm soát từ sớm

Kiểm toán viên Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Kiểm toán đầu tư - dự án (KTNN khu vực V) - Tổ trưởng Tổ kiểm soát hoạt động của Đoàn kiểm toán việc quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2020-2021 - cho biết, đối với các hình thức kiểm soát trực tiếp, tổ kiểm soát dành thời gian kiểm soát tập trung vào những nội dung như: Tuân thủ quy trình, thủ tục kiểm toán; thực hiện các trọng yếu kiểm toán; tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán; các trường hợp bỏ sót kết quả kiểm toán; các vấn đề nhạy cảm còn có sự chưa thống nhất giữa đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. “Thông qua kiểm soát đã giúp cung cấp thêm cho đoàn kiểm toán những góc nhìn toàn diện, nhiều chiều, đảm bảo các đánh giá kiểm toán được đưa ra phải dựa trên căn cứ pháp lý vững chắc, đủ bằng chứng thuyết phục” - Kiểm toán viên Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Chú trọng kiểm soát từ sớm, từ xa và phát huy tính chủ động của mỗi kiểm toán viên là cách làm được KTNN khu vực XI lưu ý thực hiện. Theo lãnh đạo đơn vị, công tác KSCLKT tại đơn vị, đoàn kiểm toán luôn được quan tâm, đảm bảo 100% cuộc kiểm toán được kiểm soát theo Quy chế KSCLKT. Theo đó, đơn vị đã bố trí kiểm toán viên không tham gia đoàn kiểm toán đủ để đảm bảo công tác KSCLKT đạt hiệu quả.

Các tổ KSCLKT đã xây dựng kế hoạch kiểm soát và tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Trên cơ sở theo dõi, kiểm soát hoạt động của đoàn kiểm toán, tổ kiểm soát báo cáo Kiểm toán trưởng để chỉ đạo kịp thời đoàn kiểm toán điều chỉnh, sửa chữa những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện kiểm toán. “Làm tốt công tác kiểm soát sẽ giúp phát hiện từ sớm, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, bất cập của đoàn kiểm toán ngay trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán, hạn chế tối đa những rủi ro cho báo cáo kiểm toán” - lãnh đạo KTNN khu vực XI cho biết.

Khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát tại chỗ

Có thể nói, hoạt động giám sát nội bộ đã mang lại hiệu quả nhất định và phù hợp với điều kiện, đặc thù của KTNN. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, hoạt động KSCLKT tại chỗ vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức cần được khắc phục để tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này.

Dẫn ví dụ về kiểm toán ngân sách địa phương, đại diện KTNN khu vực V cho biết, các tổ kiểm toán ngân sách huyện thường nhiều lĩnh vực, thời gian kiểm soát ngắn (1-2 ngày/tổ kiểm toán), tuy nhiên khoảng cách địa lý giữa các tổ kiểm toán tại các địa phương thường xa, di chuyển mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ kiểm soát; hơn nữa, do hạn chế nguồn lực nên nhiều cuộc kiểm toán chưa thể kiểm soát trực tiếp, mà chỉ kiểm soát trên hồ sơ...

Đây cũng là những khó khăn chung mà các đơn vị kiểm toán phải đối diện khi thực hiện nhiệm vụ KSCLKT. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả KSCLKT nội bộ, theo các đơn vị kiểm toán, khi thực hiện nhiệm vụ KSCLKT, tổ kiểm soát cần tập trung thực hiện kiểm soát trên các nội dung trọng yếu; việc thực hiện quy trình kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; kiểm soát các lĩnh vực, vấn đề nhạy cảm như đầu tư, tín dụng; việc tổ chức kiểm soát trực tiếp tại đơn vị được kiểm toán cần được tổ chức phù hợp để tránh gây phiền hà cho đơn vị…

Đưa ra lưu ý đối với việc KSCLKT dự án, đại diện Vụ Chế độ và KSCLKT (KTNN) cho rằng, ngoài xem xét báo cáo của đơn vị, cần chú ý đối với kết quả thanh tra, kiểm tra khác để đối chiếu kết quả thực hiện của kiểm toán viên. Việc triển khai kiểm soát trực tiếp tại đoàn, tổ nên bố trí vào những giai đoạn sau, khi nội dung công việc thực hiện đã được kiểm toán viên triển khai tương đối và phần nào có kết quả kiểm toán.

Nhằm loại bỏ những thiếu sót, giúp đảm bảo cơ sở pháp lý, tính khả thi của kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II đề nghị, các đơn vị kiểm toán cần quan tâm và chú trọng hơn đến việc thực hiện công tác KSCLKT đối với giai đoạn lập và phát hành báo cáo kiểm toán. “Đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, việc thực hiện kiểm soát chủ yếu qua hình thức trực tiếp, hoặc giám sát dựa trên hồ sơ kiểm toán. Các hình thức kiểm soát cần bổ trợ cho nhau, với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán” - lãnh đạo đơn vị cho biết, đồng thời lưu ý các đơn vị kiểm toán cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn của kiểm toán viên tham gia nhiệm vụ kiểm soát, trong đó, chú trọng chuyên môn về lĩnh vực được kiểm soát; nâng cao kỹ năng tổng hợp, lập báo cáo kiểm soát, đảm bảo nội dung báo cáo đúng trọng tâm./.

NGUYỄN LỘC