Cân đối ngân sách còn nhiều thách thức

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:30, 07/07/2016

(BKTO)- Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết: 6tháng đầu năm 2016, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, công tác điều hành thu chiNSNN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để có thể cân đối ngân sách, hoànthành mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ yêu cầu, nhiều giải pháp đã được đặt rađối với ngành Tài chính.


Chi vẫn vượt thu

6 tháng đầu năm 2016, thu NSNN ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, mức tăng này lại thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Đáng lưu ý, trong cơ cấu nguồn thu, thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đều giảm lần lượt là 44,8% và 2,2% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa đạt 48,8% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015 nhưng đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Bên cạnh đó, trong khi thu ngân sách địa phương đạt 55% dự toán thì thu ngân sách T.Ư chỉ đạt khoảng 42% so với dự toán, chưa đảm bảo tiến độ dự toán và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%). Nguyên nhân của thực trạng này được Bộ Tài chính chỉ ra là do giá dầu giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế từ đầu năm 2016, thâm hụt ngân sách vẫn là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế trong năm nay. Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, tổng chi NSNN ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Như vậy, so với tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm, chi NSNN đã vượt thu trên 85 nghìn tỷ đồng. Trong cơ cấu chi, chi cho đầu tư phát triển vẫn thấp hơn chi thường xuyên. Cụ thể, chi đầu tư phát triển đạt 32,2% dự toán chi thường xuyên đạt 48,5% dự toán. Chưa kể, tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị.


Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, bội chi của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn mức 4,95% GDP mà Quốc hộiđã đề ra.Ảnh: TK

Mức bội chi NSNN năm 2016 mà Quốc hội quyết định là 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP). Tuy nhiên, theo nhận định của các tổ chức quốc tế, năm nay, bội chi của Việt Nam sẽ cao hơn mức mà Quốc hội đề ra. Báo cáo vĩ mô mới nhất của Ngân hàng HSBC dự báo bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay khoảng 6,6% GDP. Tương tự, Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định: Một trong những vấn đề đáng quan ngại của nền kinh tế Việt Nam chính là tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài nhiều năm. WB dự báo năm 2016-2018, bội chi ngân sách sẽ ở mức 5,5% - 5,9% GDP.

Nhiều giải pháp cân đối thu chi ngân sách

Trước thực trạng và dự báo đáng lo ngại trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải đề xuất, Chính phủ cần cắt giảm chi tiêu riêng và các dự án không cần thiết, tăng thu ngân sách bằng nhiều cách để tạo ra quỹ khoảng 50 tỷ USD phục vụ cho việc tái cơ cấu nợ công và các nhiệm vụ quan trọng khác. Bên cạnh đó, cảnh báo nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỷ trọng lớn, ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khuyến nghị Chính phủ cần có kế hoạch giảm tỷ lệ bội chi trong trung hạn, khắc phục tình trạng thâm hụt cán cân ngân sách.

Để giảm bội chi và cân đối ngân sách, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các tỉnh cần cân đối thu chi ngân sách, không đưa ra các chỉ tiêu ngân sách vượt quá khả năng của từng địa phương; tránh tình trạng địa phương chi tiêu quá mức gây ra bội chi ngân sách địa phương, sau đó lại xin T.Ư hỗ trợ. Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục cắt giảm khoản chi không cần thiết và nhất là không để lợi ích nhóm can thiệp vào thu chi ngân sách.

Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN năm 2016 ở mức Quốc hội cho phép trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới còn nhiều khó khăn, biến động khôn lường là thách thức không nhỏ. Song với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán; đồng thời tổ chức, điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Dự kiến, đến hết quý III/2016, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế, NSNN và dự báo giá dầu thô cả năm, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định phương án đảm bảo cân đối ngân sách phù hợp với quy định của Luật NSNN và tình hình thực tế của đất nước.


THÀNH ĐỨC