Australia: Đánh giá công tác mua sắm công liên quan đến CNTT
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 00:06, 15/10/2022
(BKTO) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước Australia (ANAO) đã công bố Báo cáo kiểm toán hoạt động về việc Cơ quan Chuyển đổi kỹ thuật số (DTA) mua sắm dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT).
DTA cần cải thiện các quy trình hoạt động. Ảnh: DTA |
Cuộc kiểm toán này nhằm mục đích tăng tính minh bạch trong khuôn khổ mua sắm của DTA; đảm bảo trước Nghị viện rằng việc mua sắm các dịch vụ liên quan đến CNTT đang được tiến hành hiệu quả và DTA đang quản lý tốt các hợp đồng để đạt được các mục tiêu đã định.
ANAO đã kiểm tra một mẫu gồm 9 gói thầu các dịch vụ liên quan đến CNTT do DTA thực hiện từ 01/7/2019 đến 30/6/2021. Chín gói thầu đã được lựa chọn để xem xét trên cơ sở giá trị, rủi ro, mức độ phù hợp, loại hình mua sắm và bao gồm 7/9 gói mua sắm có giá trị cao nhất của DTA giai đoạn này. Kết quả kiểm toán cho thấy, 9 hợp đồng mua sắm liên quan đến CNTT không hiệu quả; DTA đã thiết lập khuôn khổ mua sắm, nhưng việc thực hiện và giám sát còn hạn chế. DTA đã không tuân thủ các chính sách, thủ tục nội bộ và có những điểm yếu trong quản trị, giám sát và các thỏa thuận trực tiếp đối với các hợp đồng mua sắm; cách tiếp cận cũng không phù hợp với các yêu cầu đạo đức, không tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành. DTA đã không tiến hành phương pháp tiếp cận thị trường hoặc các quy trình đánh giá đấu thầu hiệu quả, không tư vấn phù hợp cho những người ra quyết định nhất quán.
Đối với các gói thầu, DTA đã không quản lý các hợp đồng hiệu quả để thực hiện các mục tiêu mua sắm và đạt được tính kinh tế, hiệu lực. Một trong các gói thầu được kiểm tra đặc biệt cho thấy hạn chế về yêu cầu đạo đức, theo đó DTA thay đổi phạm vi và tăng đáng kể giá trị của hợp đồng thông qua nhiều thay đổi.
Báo cáo này đưa ra 9 khuyến nghị, 1 đối với Chính phủ và 8 đối với DTA. Chính phủ cần thực hiện các yêu cầu báo cáo đối với hoạt động mua sắm theo phương thức chào hàng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng đối với các nhà cung cấp.
DTA cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để theo dõi các rủi ro mua sắm, quản lý và đánh giá thích hợp; cải thiện các quy trình đánh giá đấu thầu; cải thiện các quy trình mua sắm để đảm bảo những người ra quyết định được tham vấn đầy đủ, bao gồm thông tin về rủi ro và phương thức đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực, kinh tế; tăng cường hướng dẫn và kiểm soát nội bộ để đảm bảo các quan chức không thay đổi hợp đồng để tránh cạnh tranh hoặc tránh các nghĩa vụ, yêu cầu đạo đức theo Quy tắc mua sắm của Khối thịnh vượng chung…./.
Yến Nhi – Thu Hiền
(Theo ANAO)