Xuất khẩu lao động: Cán đích sớm nhờ đâu?
Kinh tế - Ngày đăng : 21:51, 15/10/2022
(BKTO) - 9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 người. Với kết quả này, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã sớm vượt chỉ tiêu đề ra. Đâu là động lực để XKLĐ sớm cán đích?
Sự phục hồi của các thị trường truyền thống giúp XKLĐ cán đích sớm. Ảnh:Internet |
Nhiều yếu tố thuận lợi
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), XKLĐ năm 2022 đã về đích sớm.
Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 người. Như vậy, trong 9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, đạt 114,47% kế hoạch năm 2022 và bằng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thị trường Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…
Có thể thấy, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sự phục hồi của các thị trường truyền thống này giúp Việt Nam gia tăng đáng kể số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng qua.
Theo giới chuyên gia, sự thay đổi về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều quốc gia nhằm thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế chính là yếu tố góp phần giúp công tác XKLĐ năm 2022 về đích sớm. Trong đó, chính sách mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài của các quốc gia đã tạo điều kiện để Việt Nam đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021, Hàn Quốc mở lại từ tháng 5/2021, Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/02/2022, Nhật Bản mở lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện, quy định phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria.
Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động của các thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường truyền thống đã và đang tăng nhanh là yếu tố thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh công tác XKLĐ.
Mới đây, Bộ LĐTBXH vừa thông báo tuyển dụng gần 2.800 người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo tuyển 1.500 lao động, ngành nông nghiệp tuyển 855 lao động và ngành ngư nghiệp tuyển 422 lao động.
Tương tự, thị trường lao động quốc tế Đài Loan cũng mở những đợt tuyển dụng phục vụ nhu cầu lao động Tết. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các trường đào tạo nguồn nhân lực đẩy mạnh đào tạo nghề, xuất khẩu nhân lực chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bộ LĐTBXH cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết biên bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait.
Dự kiến, năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tăng số lượng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành LĐTBXH cần có các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, tận dụng nguồn nhân lực hậu XKLĐ.
Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực sau khi trở về nước, ông Ken Arai - Giám đốc điều hành Công ty Hải Phong - cho hay, khi tuyển người lao động có tay nghề, Công ty sẽ giảm được chi phí và thời gian đào tạo, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu phát sinh lỗi và sai phạm, tiết kiệm rất nhiều chi phí khác.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng dành phần chi phí tiết kiệm này hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề trước khi sang Nhật. Điều này giúp người lao động khi tham gia chương trình làm việc tại nước ngoài giảm áp lực tài chính ban đầu, tạo tâm lý yên tâm làm việc” - ông Ken Arai cho biết.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan đánh giá, trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.
Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… gia tăng đáng kể. Nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania.
Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định. Đây chính là nguồn nhân lực rất dồi dào và chất lượng đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có chính sách đào tạo lại lao động (về ngoại ngữ, tay nghề, kiến thức cơ bản về luật của nước sở tại và ý thức tổ chức kỷ luật...) nhằm nâng cao chất lượng lao động.
Trong 10 năm qua (2012-2022), mỗi năm cả nước đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó, lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10%. Mỗi năm, bình quân lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD. |
THÀNH ĐỨC