Hòa Bình triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 22:06, 18/10/2022

(BKTO) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, năm 2022 tổng nguồn lực huy động thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo là gần 168 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 154 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 14,6 tỷ đồng.


                
   

Các hộ nghèo ở Hòa Bình được hỗ trợ vay tiền mua bò giống.

   

Nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân

Từ đầu năm tới nay, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân như: Chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ tiền điện… Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình đã tổ chức mua, cấp 423.630 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong đó người sống ở vùng đặc biệt khó khăn là 8.413 thẻ; người dân tộc thiểu số 257.177 thẻ; người nghèo 33.590 thẻ; người thuộc hộ cận nghèo 22.623 thẻ; đối tượng bảo trợ xã hội là 9.240 thẻ, còn lại là các đối tượng khác.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình hỗ trợ xây dựng mới 72 nhà và hỗ trợ sửa chữa 2 nhà đại đoàn kết từ nguồn quỹ “Ngày vì người nghèo” với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.190 triệu đồng. Thực hiện các chương trình tín dụng tính đến hết ngày 31/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 21.124 lượt khách hàng vay vốn với danh số cho vay là 811.679 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có: 4.440 hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 219.041 triệu đồng; 2.943 hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 145.129 triệu đồng; 1.235 hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 62.480 triệu đồng và một số chương trình khác...

Năm 2022, tỉnh đã tạm phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội là 17.950 triệu đồng; phân bổ dự toán hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên năm 2022 với tổng kinh phí khoảng 254.610 triệu đồng; Thực hiện hỗ trợ cho 34.029 hộ nghèo tiền ăn tết với tổng số kinh phí là 13.611,6 triệu đồng; Tiếp tục thực hiện Dự án phát triển kinh tế xã hội 02 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là giảm tỷ lệ hộ nghèo: Từ 2,5% - 3%, các huyện nghèo giảm từ 3,5%- 4% trở lên. Dự kiến số hộ nghèo cuối năm 2022: 28.710 hộ (giảm 5.319 hộ), tỷ lệ 12,99%.

Thực hiện chương trình giảm nghèo, thời gian qua công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp sát sao, quyết liệt ngay từ đầu giai đoạn, đã triển khai xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 05 năm và hàng năm; đồng thời việc thông báo nguồn vốn trung hạn là điều kiện thuận lợi, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc đề xuất các nội dung hoạt động, huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện Chương trình...
                
   

Năm 2023, Hòa Bình sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.

   

Đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5-3%/năm
Mục tiêu năm 2023, Hòa Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5%-3%, huyện nghèo giảm từ 4% trở lên, hoàn thành 49 công trình phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện nghèo (bao gồm 31 dự án chuyển tiếp từ năm 2022 và 18 dự án khởi công mới năm 2023); xây dựng và nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo thành công.

Trong quá trình triển khai, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 phản ánh đúng thực trạng đời sống kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và làm chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.

Tỉnh Hòa Bình cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ tiếp cận thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi và 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế./.

KHÁNH LINH