PVN: Giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Đầu tư - Ngày đăng : 14:30, 14/01/2016

(BKTO) -Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 9/01, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn, thách thức mà ngành Dầu khí đã và đang phải đối mặt mà nguyên nhân chính là do giá dầu giảm sâu trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu “ấm” lên. Trong bối cảnh đó, ngành Dầu khí cần nỗ lực hơn nữa và phải có những giải pháp đặc biệt bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia.



Năm 2015, các chỉ tiêu sản xuất chính của PVN đều về đích sớm so với kế hoạch.Ảnh TK

Các chỉ tiêu đều về đích sớm

Giá dầu thô giảm mạnh kể từ tháng 10/2014 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn. Giá dầu đã rớt xuống dưới 35 USD/thùng vào ngày 20/12/2015, đến ngày 08/01/2016 chỉ còn hơn 31 USD/thùng - mức thấp nhất trong 11 năm qua và dự báo còn có thể xuống 25 USD. Tính trung bình giá dầu năm 2015 chỉ đạt 54,5 USD/thùng, giảm 57,6 USD/thùng (tương đương mức giảm 51,4%) so với giá dầu trung bình của 4 năm 2011-2014 (112,1 USD/thùng). Những khó khăn càng gia tăng khi tình hình kinh tế thế giới năm qua biến động phức tạp, khó lường, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Thực hiện những giải pháp ứng phó mạnh mẽ, quyết liệt, kết thúc năm 2015, PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao và đều cao hơn so với thực hiện năm 2014, góp phần hoàn thành tất cả các chỉ tiêu 5 năm 2011-2015. Trong báo cáo của quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh: Năm 2015, các chỉ tiêu sản xuất chính của Tập đoàn đều về đích sớm, gia tăng trữ lượng dầu khí - hoàn thành kế hoạch năm 2015 trước 2 tháng; tổng sản lượng khai thác quy dầu - trước 1 tháng 3 ngày (đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 350 triệu vào ngày 01/11/2015, khai thác m3 khí thứ 110 tỷ vào ngày 3/10/2015); sản xuất xăng dầu - trước 2 tháng, sản xuất điện - trước 1 tháng 18 ngày; sản xuất đạm - trước 25 ngày.

Những kết quả trên mang lại giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn đạt 510 ngàn tỷ đồng, vượt 14,4% kế hoạch năm, tăng 10,6% so với năm 2014. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2015 đạt 560,1 ngàn tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm; tính chung 5 năm đạt 3.518 ngàn tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch 5 năm, tăng 2,4 lần so với 5 năm 2006-2010. Năm 2015, Tập đoàn đã nộp NSNN 115,1 ngàn tỷ đồng, tăng 19,8% so với kế hoạch; tính chung 5 năm đạt 836,3 ngàn tỷ đồng, tăng 64,6% so với giai đoạn 2006-2010.

Xây dựng kế hoạch 2016 theo 7 phương án giá dầu

Trên cơ sở định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN đang phấn đấu thực hiện vượt mức để về đích trước ở tất cả các chỉ tiêu được giao năm 2016: gia tăng trữ lượng dầu khí từ 16-20 triệu tấn quy đổi; khai thác dầu khí 25,64 triệu tấn (16,03 triệu tấn dầu thô; 9,61 tỷ m3 khí)…

Dựa vào chỉ tiêu sản lượng được giao, cùng với kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2016 với phương án giá dầu 60 USD/thùng, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch tài chính theo các phương án giá dầu 60 - 55 - 50 - 45 - 40 - 35 - 30 USD/thùng. Nếu đạt phương án cao nhất - giá dầu 60 USD/thùng, PVN dự kiến tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 514,5 ngàn tỷ đồng; nộp NSNN 104,2 ngàn tỷ đồng. Còn nếu phương án giá dầu 30 USD/thùng xảy ra, PVN dự kiến tổng doanh thu toàn Tập đoàn chỉ đạt 354,6 ngàn tỷ đồng (giảm tới 160 ngàn tỷ đồng so với phương án cao nhất); nộp NSNN chỉ còn 57,3 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào, PVN cũng cố gắng đạt kết quả tốt nhất thông qua việc xác định rõ và thực hiện đồng bộ 12 nhóm giải pháp trọng tâm.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của PVN trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với suy giảm giá dầu. “Ngành cần tiếp tục bám sát diễn biến, chủ động dự báo giá dầu năm 2016 và các năm tiếp theo để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động xấu nhất ở từng thời điểm. Trong đó tập trung rà soát tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng sâu các giải pháp khoa học công nghệ, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản trị rủi ro. Đặc biệt là cần điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng GDP, thu NSNN của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả của DN” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
H. THOAN