Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế qua kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:36, 20/10/2022

(BKTO) - Lĩnh vực y tế rất đa dạng, với nhiều hoạt động dễ tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát, lãng phí như: đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư, thu - chi từ nguồn thu viện phí… Vì vậy, việc tăng cường kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu và công khai kết quả kiểm toán sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này.



Việc tăng cường kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu và công khai kết quả kiểm toán sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Ảnh sưu tầm

Kết quả kiểm toán chỉ rõ nguy cơ thất thoát trong lĩnh vực y tế

Kết quả kiểm toán do Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III thực hiện đối với lĩnh vực y tế đã chỉ ra một số vấn đề tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Cụ thể, công tác xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế còn chậm, chưa đầy đủ. Kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy, trong tổng số hơn 18.239 danh mục dịch vụ kỹ thuật, chỉ có khoảng 947 dịch vụ được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, hơn 4.000 danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa được xây dựng giá và trên 11.000 dịch vụ không có quy trình kỹ thuật.

Kết quả kiểm toán năm 2018 phát hiện nhiều loại vật tư y tế (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị) có số lượng sử dụng thấp hơn so với định mức và đơn giá được sử dụng làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế. Mức độ thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật và bù đắp chi phí qua giá dịch vụ rất khác nhau giữa các đơn vị, vùng miền, tuyến kỹ thuật, hạng bệnh viện nên chưa được xây dựng theo tiêu chí chi phí gắn với chất lượng dịch vụ.

Đối với dịch vụ y tế theo yêu cầu, một số bệnh viện chưa xây dựng cơ cấu giá, thu ấn định với mức giá tăng thêm so với mức thu viện phí bảo hiểm y tế hoặc có xây dựng các yếu tố chi phí nhưng tồn tại một số khoản chi chưa có cơ sở, bất hợp lý (phí sử dụng máy, giá trị thương hiệu, lãi cho đối tác liên kết...) tạo gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Hầu hết các bệnh viện xảy ra tình trạng thu vượt, thu sai, thu các khoản đã có trong cơ cấu giá, thu thêm các khoản chưa có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế.

Đối với các trang thiết bị y tế thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết, các bệnh viện xác định tỷ lệ phân chia thu nhập không đầy đủ cơ sở tính toán, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh dẫn đến phần lớn các đối tác có lợi. Một số bệnh viện không chủ động sử dụng nguồn hiện có mà vẫn thực hiện hình thức xã hội hóa, liên doanh, liên kết làm tăng chi phí khám, chữa bệnh và phải phân chia lợi nhuận cho đối tác.

Có thể thấy, lĩnh vực y tế rất đa dạng trong khi cơ chế, chính sách về tự chủ chưa được hoàn thiện. Cùng với đó, KTNN vẫn chưa hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, phương pháp kiểm toán để xác minh, thu thập bằng chứng kiểm toán làm cơ sở kết luận, kiến nghị về hành vi tham nhũng một cách phù hợp hoặc có tác động tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng. Điều này khiến việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, các đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý theo kết luận, kiến nghị của KTNN, cũng như chế tài đối với những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đẩy mạnh kiểm toán chuyên sâu và công khai kết quả kiểm toán

Theo KTNN chuyên ngành III, trước tiên, để góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế, KTNN cần nâng cao chất lượng kiểm toán, hoàn thiện loại hình và phương pháp kiểm toán như: Kiểm toán điều tra, kiểm toán tuân thủ… Đồng thời, tăng cường kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên đề mang tính dài hạn, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực được Quốc hội, công chúng quan tâm như: Các chương trình mục tiêu về y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng từ nguồn thu sự nghiệp y tế...

Bên cạnh đó, KTNN tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kỷ luật kỷ cương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công, bịt lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên; xử lý nghiêm khắc các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; chú trọng công tác tự kiểm soát của các KTNN chuyên ngành và khu vực theo chức trách, nhiệm vụ của Kiểm toán trưởng, Trưởng, Phó đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.

KTNN cũng cần chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Tích cực phối hợp với Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là công khai kết quả kiểm toán nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng; cung cấp các thông tin tác động đến xã hội để các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây nên./.
         
Theo KTNN chuyên ngành III, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực y tế, bao gồm: Cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, quản lý tài sản công, dịch vụ công và tự chủ cho các bệnh viện theo phân loại (hạng đặc biệt, tuyến Trung ương, tuyến địa phương, tuyến cơ sở)… là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa tham nhũng.
THÙY LÊ