Hoàn thiện cơ sở pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 02/04/2018
(BKTO) - Nhằm phục vụ cho việc thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, ngày 22 và 23/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Một số nội dung lớn của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)”. Trở về từ Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vai trò của KTNN trong đấu tranh PCTN cũng như góp ý trực tiếp về những nội dung của Dự thảo Luật PCTN đang được lấy ý kiến.
Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước! Với địa vị pháp lý đã được hiến định, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Vai trò này đã được thể hiện như thế nào trong thực tiễn hoạt động của KTNN?
- Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Vai trò này được thể hiện cụ thể qua các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, KTNN là công cụ tham gia vào việc minh bạch về tài chính, ngân sách thông qua công khai kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách. Đây là cơ sở cho hoạt động giám sát các đại biểu Quốc hội, HĐND, của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân đối với công tác quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt là các nguồn lực tài chính nhà nước.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa.Ảnh: H.THÀNH
Thứ hai, KTNN là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm ở các đơn vị được kiểm toán, KTNN lập và chuyển hồ sơ kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý về hình sự đối với những cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, trên cơ sở tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, KTNN có thể chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng, lãng phí lớn, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm nhằm giúp ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thông qua kiểm toán, KTNN kiến nghị: xử lý tài chính đối với các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn và các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để góp phần PCTN.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể cho biết những đóng góp của KTNN đối với công tác đấu tranh PCTN thời gian qua?
- Những năm qua, thực hiện Luật PCTN, đặc biệt là sau 2 năm thực hiện Luật KTNN 2015, KTNN đã tích cực đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nội dung, phương pháp kiểm toán. Nhờ vậy, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí.
Cụ thể, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Luật KTNN 2015, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015; kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm.
Năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 43.660 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Qua kiểm toán chuyên đề công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN phát hiện thừa 57.175 người và có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý. Đặc biệt, KTNN đã chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng và gửi một số báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội...
Bên cạnh đó, năm 2016 và 2017, KTNN cũng đã kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ tổng cộng 246 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xác định tăng giá trị vốn nhà nước trên 29.506 tỷ đồng (tại 13 DN) qua kiểm toán định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị DN cổ phần hóa.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, từ góc độ cơ quan kiểm tra, giám sát, KTNN có góp ý gì đối với Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)?
- Vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN đã được nêu rõ tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Do đó, đối với Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, quan điểm của KTNN như sau:
Thứ nhất, Dự thảo Luật quy định Thanh tra Chính phủ (TTCP) có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư và địa phương là chưa thuyết phục. Để phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật KTNN 2015, KTNN đề nghị Dự thảo Luật quy định như sau: “KTNN kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại: Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội và người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình; cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại khối các cơ quan Đảng, Đoàn thể. TTCP kiểm soát tại cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại”.
Thứ hai, đề nghị bổ sung thẩm quyền xác minh thu nhập đối với: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh; bổ sung thẩm quyền xác minh thu nhập của Ban Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba, việc quy định đánh thuế 45% với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý là chưa phù hợp; vì nếu quy định như vậy sẽ hợp thức hóa các tài sản này, nhất là tài sản hình thành từ việc tham ô, tham nhũng. Thay vào đó, nếu tài sản đó chứng minh được do hành vi tham nhũng mà có thì bị tịch thu nộp NSNN.
Thứ tư, để bảo đảm tính khả thi của Luật, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại quy định tại Khoản 3, Điều 67; vì KTNN không có thẩm quyền điều tra tội phạm nên việc xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng là thiếu khả thi, không phù hợp với bản chất của hoạt động kiểm toán.
Thứ năm, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của KTNN trong việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đối với nội dung tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cho phù hợp, cụ thể như sau: “Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo, xác minh nội dung và kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị và chuyển cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết tố cáo đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Thứ sáu, Dự thảo Luật quy định “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thông qua hoạt động của mình nếu thấy vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì yêu cầu hoặc kiến nghị Ủy ban kiểm tra của Đảng, KTNN, cơ quan điều tra... tiến hành xác minh, làm rõ, kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật”. Như vậy, phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu quá rộng, không phù hợp chức năng, nhiệm vụ và khả năng thực hiện (biên chế và kinh phí) của KTNN. Do đó, KTNN đề nghị Dự thảo chỉ nên quy định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh có quyền yêu cầu cho phù hợp với quy định của Luật KTNN 2015.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018