Kiểm toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ III - Thiếu chặt chẽ trong quản lý tiến độ và chi phí đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 02/04/2018

(BKTO) - Cùng với những bất cập trong thẩm định, phê duyệt đầu tư và bố trí vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (Dự án), KTNN đánh giá, những hạn chế trong quản lý tiến độ và quản lý chi phí đầu tư đã làm ảnh hưởng nhiều đến tính kinh tế của Dự án.


Chưa làm rõ trách nhiệmvà thiệt hại do chậm tiến độ

Theo Báo cáo kiểm toán, đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2016), thời gian thực hiện Dự án có hiệu lực theo Quyết định phê duyệt Dự án là: đưa Tổ máy số 1 vào vận hành trong tháng 9/2011, Tổ máy số 2 vận hành trong tháng 3/2012. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện gói thầu chính thức theo Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) quy định: ngày hoàn thành đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 là tháng 5/2015 và Tổ máy số 2 là tháng 10/2015.

Thực tế, gói thầu EPC được khởi công từ tháng 9/2011, Hợp đồng có hiệu lực từ 15/12/2011; Tổ máy số 1 hoàn thành phát điện thương mại ngày 10/10/2015, Tổ máy số 2 ngày 03/12/2015. Như vậy, so với Quyết định phê duyệt Dự án thì tiến độ thi công Dự án chậm gần 4 năm. So với quy định của Hợp đồng EPC thì tiến độ thi công Gói thầu EPC chậm 6 tháng đối với Tổ máy số 1 và 2 tháng đối với Tổ máy số 2.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số gói thầu thi công ngoài EPC có tiến độ thi công thực tế còn chậm so với tiến độ theo điều khoản cam kết hợp đồng. Cụ thể: Gói thầu 20 chậm 12 tháng; Gói thầu xây dựng hệ thống điện thi công chậm 18 tháng; Gói thầu xây dựng nhà làm việc Ban Quản lý và tư vấn chậm 12 tháng…

Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế trong công tác quản lý chi phí đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Ảnh: TL

Đến thời điểm kiểm toán, hầu hết các gói thầu ngoài EPC đã hoàn thành và thực hiện quyết toán A-B, thanh lý hợp đồng. Thế nhưng, Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên về những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra. Việc làm này là để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý và làm cơ sở phạt chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng đã ký đối với các gói thầu đang thực hiện dở dang, như: Gói thầu EPC, Gói thầu 36 (Xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà công vụ phục vụ quản lý vận hành), Gói thầu 37 (Xây dựng khu nhà ở công vụ phục vụ quản lý vận hành).

Tại thời điểm kiểm toán, Gói thầu 36 chậm 28 tháng, Gói thầu 37 chậm 13 tháng. Tuy nhiên, Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án chưa thực hiện các chế tài cần thiết để buộc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Từ thực tế này, KTNN kiến nghị Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 làm việc với các nhà thầu thi công Gói thầu EPC, Gói thầu 36, Gói thầu 37 để làm rõ nguyên nhân gây chậm tiến độ và áp dụng các hình thức xử phạt phù hợp với quy định của Hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân về những hạn chế trong quản lý tiến độ Dự án.

Tính trùng chi phí cho vay lại

Báo cáo kiểm toán cho biết, từ ngày 01/01/2013, chủ đầu tư Dự án được chuyển đổi từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sang Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3). Sau khi chuyển đổi, EVN đã tính bổ sung thêm khoản phí cho vay lại 0,2%/năm trên dư nợ gốc của các nguồn vốn vay ngoài nước (ADB) làm tăng chi phí đầu tư của Dự án với số tiền trên 70,8 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư trên là do EVN chưa có thỏa thuận với ADB hoặc bên bảo lãnh cho vay (Bộ Tài chính) để xin chuyển đổi chủ thể hợp đồng cho vay lại sang Genco 3, theo quy định của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của EVN. Bộ Công Thương cũng chưa yêu cầu Genco 3 ký xác nhận với cơ quan cho vay lại (Bộ Tài chính) và thực hiện trả nợ theo thỏa thuận cho vay lại đã ký theo quy định của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

KTNN kiến nghị, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Genco 3 đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Bộ Tài chính (cơ quan bảo lãnh vay) để chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay từ EVN sang Genco 3 theo đúng trình tự, thủ tục quy định, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho Dự án; Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn EVN và Genco 3 làm việc với ADB (bên cho vay) để chuyển đổi chủ thể hợp đồng cho vay lại từ EVN chuyển giao cho Genco 3, tránh tính trùng chi phí cho vay lại.

KTNN cũng đề nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế tài chính của EVN trong việc quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đến các nguồn vốn vay ngoài nước của Chính phủ, nhằm tránh việc Bộ Tài chính và EVN đều thu khoản phí cho vay lại làm tăng chi phí đầu tư Dự án.

Cũng theo kết quả kiểm toán, việc lập dự toán chi phí quản lý Dự án hằng năm không có kế hoạch tổng thể phân bổ trên cơ sở từ nguồn trong tổng mức đầu tư được duyệt; xây dựng thiếu nội dung dẫn đến phải bổ sung nhiều lần trong năm hoặc tách thêm các phần của giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sản xuất, tư vấn khác, chi phí khác… gây khó khăn cho kiểm soát việc cân đối nguồn chi quản lý Dự án và là một trong những nguyên nhân làm chi vượt chi phí quản lý Dự án. KTNN kiến nghị, Genco 3 trình EVN thẩm định, phê duyệt bổ sung chi phí quản lý do vượt định mức số tiền hơn 65,2 tỷ đồng, làm cơ sở quyết toán Dự án.

Trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, kết quả kiểm toán chỉ rõ, quá trình nghiệm thu, thanh toán chưa phát hiện việc tính toán sai khối lượng hoàn thành theo bản vẽ hoàn công thể hiện, áp dụng sai đơn giá theo quy định hoặc áp dụng sai chế độ chính sách tại thời điểm thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh giảm giá trị chi phí đầu tư hoàn thành qua kiểm toán số tiền hơn 1.209,8 tỷ đồng.

Bên cạnh sai sót trên, kết quả kiểm toán cũng nêu lên những hạn chế lớn khác trong công tác quản lý chi phí đầu tư như: chưa bổ sung tổng mức đầu tư được duyệt (253,5 tỷ đồng); nghiệm thu, thanh toán phần chi phí bù trượt giá Gói thầu EPC khi chưa đủ điều kiện theo quy định với giá trị 424,9 tỷ đồng; hạch toán tăng chi phí đầu tư Dự án phần chi phí chạy thử với giá trị 401,4 tỷ đồng khi chưa đủ điều kiện theo quy định… KTNN đã kiến nghị Genco 3 thẩm định, phê duyệt dự toán bù trượt giá thuộc Gói thầu EPC; thương thảo, đàm phán với Tổng thầu Hyundai trên cơ sở Hợp đồng EPC để xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí nhiên liệu chạy thử làm cơ sở nghiệm thu, quyết toán.(Kỳ sau đăng tiếp)

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018