Việt Nam nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:37, 20/10/2022

(BKTO) - Tại Hội thảo Khởi động xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VNR) của Việt Nam năm 2023, diễn ra ngày 19/10, tại Hà Nội, đại diện của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đều khẳng định sẽ đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong quá trình xây dựng VNR năm 2023.


                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

   

Chương trình nghị sự 2030 đã được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua tháng 9/2015 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, VNR được xem là một cơ chế theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu.

Hằng năm, trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các quốc gia sẽ tham gia trình bày VNR.Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, VNR được xem là cơ chế để các quốc gia chia sẻ kết quả đạt được, các thách thức đặt ra và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các SDGs.

Bên cạnh đó, VNR là cơ hội để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện SDGs; tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và các bên liên quan, tăng cường kết nối chính sách cũng như việc thu thập và phân tích số liệu thống kê để làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá thực hiện SDGs.

Năm 2018, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng và tham gia trình bày VNR, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức.

Năm 2023 là năm toàn cầu đi được một nửa chặng đường trong thực hiện các SDGs và cũng tròn 5 năm Việt Nam tham gia VNR lần thứ nhất. Với mong muốn chia sẻ kết quả đạt được, những thành công, bài học kinh nghiệm trong thực hiện các SDGs, Việt Nam đã đăng ký và được Liên hợp quốc công bố chính thức là một trong 42 quốc gia sẽ tham gia trình bày VNR năm 2023.

Sau gần 7 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các SDGs, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và lĩnh vực của Việt Nam, trong đó yếu tố “Không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh.

Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng Việt Nam đang đứng trước 5 thách thức lớn trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 như nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề và đa diện từ dịch Covid-19, nguồn lực cho thực hiện các SDGs còn hạn chế; chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, Việt Nam đang chịu sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng thực tế vẫn còn sự chồng chéo, thiếu đồng bộ; hiệu lực thực thi chính sách chưa cao.

Hơn nữa, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu rõ, hiện nay, toàn cầu đã đi được gần nửa chặng đường trong thực hiện các SDGs. Thế giới đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, song việc kiên định thực hiện các SDGs là con đường duy nhất để các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, có thể chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, hướng tới một xã hội phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người./.
PHÚC KHANG