Bình Thuận: Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 2.308 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:36, 21/10/2022

(BKTO) – Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh Bình Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.


                
   

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là yêu cầu đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Theo UBND tỉnh, tính đến ngày 22/9, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Thuận là 2.308 tỷ đồng, đạt trên 48% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong nước giải ngân 1.061 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch.

Nguyên nhân giải ngân thấp chủ yếu do một số công trình vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư chậm. Bên cạnh đó, các dự án ODA chậm giải ngân chủ yếu do quy trình giải ngân vốn nước ngoài phụ thuộc quy trình của nhà tài trợ, thời gian phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến về các nội dung đấu thầu, giải ngân, gia hạn hợp đồng mất nhiều thời gian…
         
Bình Thuận phấn đấu đến 31/01/2023, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân 100% vốn ngân sách tỉnh.

Để thực hiện được kế hoạch giải ngân vốn, Bình Thuận tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, quyết tâm hoàn thành yêu cầu đề ra.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các dự án ODA, các chủ đầu tư chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương và nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai.

Các sở, ban, ngành và địa phương thường xuyên rà soát, điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo thẩm quyền. Đồng thời tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công; dứt khoát không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 do nguyên nhân chủ quan.

Trước đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (ngày 26/9) cho thấy, có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 39/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó, 14 Bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.
N.LỘC