Cần chú trọng quản trị tài chính trong lĩnh vực chế biến dầu khí

Kinh tế - Ngày đăng : 21:21, 23/10/2022

(BKTO) - Quản trị tài chính kế toán trong lĩnh vực chế biến dầu khí luôn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) coi trọng trong xu thế và diễn biến rất nhanh của kinh tế thế giới ngày nay.


                
   

Quản trị tài chính trong lĩnh vực chế biến dầu khí là nhiệm vụ trọng tâm của Petrovietnam. Ảnh: PVN

   

Tại Hội nghị “Quản trị tài chính kế toán trong lĩnh vực chế biến dầu khí” vừa diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, các chuyên gia tài chính nêu rõ, bất cứ một nhận định nào không chính xác có thể khiến các doanh nghiệp dầu khí mất đi hàng tỉ USD tiền đầu tư.

Theo chuyên gia tài chính Phạm Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloite Holding, từ khâu đầu đến khâu cuối trong chuỗi giá trị ngành dầu khí đều có những nét đặc trưng riêng.

Trong đó, lĩnh vực chế biến dầu khí, lọc hóa dầu có đặc thù là những nhà máy riêng biệt sản xuất ra các chuỗi sản phẩm chuyên biệt của dầu khí. Chính vì vậy, lĩnh vực tài chính kế toán ngành chế biến dầu khí cần nhìn nhận đầy đủ và tổng thể cả 4 phần.

Cụ thể gồm: Xu hướng của ngành dầu khí; Tổng quan về khâu hạ nguồn và lĩnh vực lọc dầu; Phân tích báo cáo tài chính về lĩnh vực lọc dầu; Trao đổi và chia sẻ với các nhà điều hành về lĩnh vực lọc hóa dầu.

Tại Hội nghị, chuyên gia tài chính Phạm Hoài Nam cũng chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất của Deloite trong năm 2022 khi khảo sát 100 giám đốc điều hành các doanh nghiệp dầu khí về vấn đề đầu tư như thế nào, ở đâu và xu hướng thúc đẩy đầu tư chuyển dịch năng lượng trong tương lai.

Theo đánh giá của Deloite Holding, từ nay đến năm 2030, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực dầu khí truyền thống vẫn phát triển mạnh, chiếm từ 30-40% tổng lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp dầu khí.

Song song với các nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng mới và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, để không đứt gãy nguồn cung năng lượng thì các doanh nghiệp dầu khí vẫn cần đầu tư để khai thác và chế biến dầu khí truyền thống một cách nhanh nhất.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu của Petrovietnam cho rằng, thách thức lớn nhất của các tập đoàn dầu khí quốc gia trên thế giới là các cơ chế, thủ tục đầu tư mất rất nhiều thời gian. Đơn cử, để có thể khai thác một mỏ dầu khí tại Việt Nam phải mất ít nhất 6 năm mới có thể triển khai.

Đặc biệt, dù Petrovietnam đã và đang nghiên cứu thành công các dịch vụ thu gom khí thải (CO2) nhưng để Việt Nam trở thành một thị trường minh bạch về khí thải, các doanh nghiệp sản xuất phát thải ròng phải trả tiền cho doanh nghiệp dịch vụ thu gom, xử lý khí thải. Việc này vẫn chưa rõ lộ trình thực hiện, hay nói cách khác là Việt Nam chưa có lộ trình rõ ràng về một thị trường khí thải.

Hoặc để đầu tư một dự án lọc hóa dầu, từ công tác lập hồ sơ khả thi đến bảo vệ hồ sơ trước các Bộ, ban, ngành liên quan và Chính phủ phải mất rất nhiều thời gian. Quá trình thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao về tài chính đối với các tập đoàn dầu khí cũng như các doanh nghiệp lọc hóa dầu khi mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công nghệ…

Các chuyên gia khẳng định, với xu thế và diễn biến rất nhanh của kinh tế thế giới ngày nay, bất cứ một nhận định nào không chính xác có thể khiến các doanh nghiệp dầu khí mất đi hàng tỉ USD tiền đầu tư.

Trong đó, vấn đề cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng là phải nhanh chóng hoàn thành các dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí trước năm 2030.

Đặc biệt, với tình hình thị trường tốt trong năm 2022, các doanh nghiệp chế biến dầu khí có khả năng đạt lợi nhuận cao, nhưng năm 2023 được dự báo có thể xuất hiện những cơn sốc giá năng lượng như đã diễn ra trong năm 2015 và 2019.

Bởi vậy, các doanh nghiệp chế biến dầu khí cần phải trích lập một lượng lớn lợi nhuận để có thể xây dựng các phương án phòng chống rủi ro trong sản xuất kinh doanh./.
PHÚC KHANG