Tìm giải pháp quản lý taxi công nghệ
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 02/04/2018
(BKTO) - Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab, Uber đã trở nên quen thuộc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, việc định danh và quản lý loại hình vận tải này vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh luận. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sắp ban hành được kỳ vọng sẽ mang lại môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các DN.
Tìm cách quản chứ không cấm
Là đơn vị có hàng nghìn xe đang hợp tác với Grab Việt Nam, Giám đốc Hợp tác xã GTVT Toàn cầu Nguyễn Xuân Tuấn đánh giá, Grab, Uber với lợi thế của công nghệ đã tiếp cận, thu hút khách hàng nhanh chóng, thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng Vũ Thành Nhân, hoạt động của Grab, Uber còn nhiều bất cập. Ông Nhân dẫn chứng, căn cứ vào hạ tầng giao thông, Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị tạm thời chưa thí điểm Uber, Grab. Tuy nhiên, 2 năm qua, Grab đã hoạt động trên địa bàn với hơn 4.000 xe. Sở GTVT Đà Nẵng đánh giá hoạt động này của Uber, Grab là "kinh doanh ngoài vòng pháp luật, xem thường quy định pháp luật và quy định của địa phương”.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Đặng Quang Vinh lại cho rằng, Grab, Uber chỉ là đại diện cho loại hình kinh doanh mới; sắp tới, một số đơn vị khác cũng sẽ thực hiện cách làm tương tự, đó là xu hướng tất yếu. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nhấn mạnh vào 2 công ty này sẽ tạo ra quan điểm trong - ngoài, hình thành ấn tượng không tốt về môi trường đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, không nên đặt vấn đề cấm mà nên đặt ra điều kiện hoạt động. Nếu DN thấy các điều kiện đó không phù hợp thì họ sẽ buông.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT - cho rằng: “Cấm là không nên. Taxi truyền thống hiện được quản lý chặt chẽ, do vậy, taxi công nghệ cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. Cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay” - GS.TS Sùa bày tỏ.
Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, hiện có khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý dịch vụ taxi truyền thống, ngược lại, taxi công nghệ cũng cần được quản lý về: nhận diện thương hiệu; tôn trọng pháp luật về giá của Việt Nam, khuyến mãi phải tuân theo pháp lệnh giá, điều tiết giá trần và giá sàn, giá vé phải có bảo hiểm cho hành khách và cần có sự cạnh tranh lành mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cũng cho rằng, việc yêu cầu Grab, Uber đăng ký danh sách người lái, phương tiện, cam kết chất lượng và sự an toàn cho hành khách; hạn chế đi vào phố cấm, giờ cấm để giảm ùn tắc giao thông và cả việc minh bạch nghĩa vụ thuế với nhà nước là tất yếu để bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
Định danh, định dạng rõ các loại hình vận tải
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Quản lý taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế" do Báo Giao thông tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 trên tinh thần sẽ đưa ra các quy định nhằm bịt những lỗ hổng trong quản lý vận tải nói chung, quản lý taxi công nghệ nói riêng. Nghị định 86 sẽ có một nội dung rất mới để điều chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải, đó là định nghĩa kinh doanh vận tải. Theo đó, taxi truyền thống, taxi công nghệ hay đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng chỉ cần đối chiếu theo định nghĩa đó để biết mình thuộc loại hình gì, nghĩa là bên cạnh định danh sẽ có định dạng rõ ràng.
Cũng theo bà Hiền, vấn đề quản lý thuế cũng được đưa vào Nghị định 86 để tạo thành một mặt bằng và khung chính sách chung nhằm đảm bảo thuận lợi, công bằng cho DN, không làm thất thoát. Về quản lý lái xe, Nghị định sẽ quy định cụ thể về quá trình quản lý xuyên suốt, từ khâu đào tạo đến sau đào tạo, tham gia kinh doanh bằng lý lịch điện tử. Hiện ứng dụng công nghệ thông tin ở các vùng miền khác nhau nên sẽ có những lộ trình khác nhau để quản lý thống nhất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ luôn cố gắng tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch cho các thành phần tham gia kinh doanh vận tải. Do yêu cầu quản lý, Nghị định 86 sẽ sớm được sửa đổi và ban hành trước khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Sau 4 lần trình Dự thảo, Thủ tướng xác định, đây là Nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân nên việc soạn thảo cần chặt chẽ, đúng quy định. Bộ GTVT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, người dân, các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Nghị định này.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018