Bộ trưởng Bộ Tài chính: Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đặt ra ở mức thấp
Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 01/11/2022
(BKTO) – Trong bối cảnh năm 2023 tiềm ẩn nhiều khó khăn, để đảm bảo thận trọng, chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VQPH |
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, nước ta có một năm điều hành, quản lý kinh tế - xã hội thành công.
Theo đó, chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Dù thực hiện nhiều chính sách giảm thuế, nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách...
Về dự toán NSNN năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, năm 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu tăng cao, xăng dầu khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn. Đặc biệt, lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao còn tác động mạnh mẽ đến điều hành kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. “Qua tình hình theo dõi thu, chúng tôi đặt ra mức này là hợp lý” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mức bội chi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay mức bội chi đặt ra là hợp lý.
“Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1.204 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP. Về chiến lược phát triển thì trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến năm 2030 đạt 25%, hiện nay đang ở mức 12,8%.
Trong nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì chủ yếu là ngân hàng chiếm 46%, các ngân hàng thương mại, bất động sản chiếm 37,5%, còn lại là của các doanh nghiệp khác.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch; cũng là tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh” – Bộ trưởng thông tin.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình cho biết một số giải pháp trong điều hành giá xăng dầu, giá thuốc và vật tư y tế. Trong đó, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung rà soát để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan.
Liên quan đến cơ chế quản lý xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu), giao toàn diện phần xăng, dầu về cho Bộ Công thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối bán lẻ; chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết vấn đề khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay, vướng mắc nhất là phải hoàn thiện về mặt pháp luật, tức là phải sửa Thông tư 14/2020/TT-BYT về mua vật tư và Thông tư 15/2019/TT-BYT về mua thuốc và Nghị định 98/2021/NĐ-CP về thuốc và vật tư y tế.
“Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã sửa Thông tư 58/2016/TT-BTC. Như vậy, chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật, đảm bảo cho việc mua và đấu thầu vật tư y tế và thuốc một cách thuận lợi nhất”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Đ. KHOA