Các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường

Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 01/11/2022

(BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho thông tin chi tiết về nguyên nhân, các giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.


                
   

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Thị trường diễn biến phức tạp, bất thường, dị biệt

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bất thường, dị biệt, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn.

Nguyên nhân là do từ cuối năm 2021, khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, thị trường xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Giá xăng dầu thành phẩm của thế giới bình quân khoảng 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng từ 57-85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy từ cuối tháng 6 đến tháng 9, giá xăng dầu lại giảm và giảm liên tục với biên độ lớn, nhưng từ đầu tháng 10 trở lại đây, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại.

Trong nước, gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu, một số cửa hàng bản lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Nguyên nhân chính của hiện tượng này, trước hết là do nguồn cung không ổn định.

Thứ hai, do giá biến động lớn, phức tạp, các DN kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến các DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh, cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Thứ ba, nguồn cung xăng dầu bị sụt giảm còn do một số nguyên nhân khác như tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, hạn mức tín dụng chưa được điều chỉnh đã ảnh hưởng tới sản lượng xăng dầu nhập về. Việc tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước.

Thứ tư, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng liên tục và tăng cao, trong khi các chi phí này chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên DN hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Thứ năm, việc một số DN đầu mối khu vực phía Nam đã bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng do vi phạm hành chính, dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ.

Thứ sáu, đối với 2 nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước, mưa bão cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ 2 nhà máy sản xuất này đến kho của các DN làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn, một số địa điểm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã thực hiện một loạt các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường:

Thứ nhất, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của DN; chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện về việc thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bảo đảm phục vụ người dân và DN.

Thứ hai, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

Thứ ba, chỉ đạo các DN xăng dầu đầu mối hỗ trợ lẫn nhau để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương.

Thứ tư, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường ở các khâu bán lẻ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định.

Thứ năm, kiến nghị các cơ quan có liên quan để trình các cấp có thẩm quyền về việc giảm các loại thuế, ngoài việc giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, còn rà soát và điều chỉnh mức đưa chi phí xăng dầu trong nước về đến cảng và chi phí ở ngoài nước để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí để hỗ trợ các DN trong thời gian khó khăn này.

Thứ sáu, chỉ đạo các nhà máy sản xuất dầu trong nước (Bình Sơn và Nghi Sơn) có các biện pháp hỗ trợ, kịp thời giao hàng nhanh sớm nhất cho các DN, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cho các đầu mối và ưu tiên bán hàng ở những khu vực thiếu hụt để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Thứ bảy, phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các DN xăng dầu đầu mối để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.
                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

   

Các giải pháp trước mắt và lâu dài

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, ngay trong chiều 29/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành có liên quan và chỉ đạo những giải pháp căn cơ và lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu.

Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP để kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở, chi phí kinh doanh định mức để đảm bảo tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí phát sinh thực tế cho DN, để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh của DN; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho thông quan xăng dầu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho thị trường.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Bộ Công Thương tiếp tục là đầu mối phối hợp với các Bộ ngành, đảm bảo nguồn cung, rà soát các hệ thống phân phối, đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, yêu cầu các lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các DN, cơ sở bán xăng dầu không tuân thủ các quy định hiện hành về cung ứng xăng dầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển xăng dầu trong giờ cao điểm, chỉ đạo các DN trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Về giải pháp căn cơ, dài hạn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp cùng các Bộ, ngành rà soát các văn bản hiện hành như Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn để đánh giá việc triển khai quy định trong thời gian tới và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để sớm phê duyệt.

Các doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng

Tại Họp báo, liên quan đến vấn đề hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã trao đổi với Bộ Công Thương để cung cấp 16 DN đầu mối xăng dầu.

Trên cơ sở đó, NHNN đã rà soát các tổ chức tín dụng. Qua báo cáo của 15 ngân hàng cấp tín dụng cho 16 DN đầu mối, thì hiện tại, tỷ lệ hạn mức sử dụng chưa hết và vẫn còn thấp.

Theo phân tích, đánh giá của NHNN, vấn đề hạn mức gồm cho vay, cho vay đồng Việt Nam, cho vay ngoại tệ… Các số dư đó đều thấp hơn rất nhiều so với hạn mức mà các ngân hàng đã cấp cho các DN đầu mối xăng dầu.

“Vấn đề không hẳn ở phía ngân hàng mà ở phía DN do có nhiều phương án tài chính chưa hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến điều kiện vay vốn chứ không hẳn là vấn đề hạn mức tín dụng. Các đầu mối xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng và thực ra là số dư khá lớn” - ông Hà nhấn mạnh./.

HỒNG NHUNG