Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình về tình trạng thiếu xăng dầu
Chính trị - Ngày đăng : 10:36, 01/11/2022
(BKTO) – Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ xảy ra gần đây, cuối phiên thảo luận sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình làm rõ hơn vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trước Quốc hội về vấn đề thiếu xăng dầu. Ảnh: VPQH |
Làm rõ xăng dầu “thiếu thật hay giả”
"Vấn đề xăng dầu thiếu thật hay giả cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài" - là vấn đề được đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 28/10.
Đại biểu nhận xét, Việt Nam có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Nhưng thời gian qua đã xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở TP.HCM, Hà Nội.
Theo nữ đại biểu, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng dầu tác động tới hầu hết ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Vì thế, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh phát triển, tăng trưởng kinh tế và Nhà nước lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
"Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan" - đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị làm rõ việc thiếu xăng dầu là thật hay giả. Ảnh: VPQH |
Cũng liên quan đến vấn đề nguồn cung xăng dầu, tại phiên thảo luận hôm qua (27/10), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhận xét, tình hình thiếu hụt xăng dầu vẫn đang xảy ra cục bộ, chưa được xử lý dứt điểm. Việc này gây bức xúc và làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cũng đề nghị cơ quan quản lý cần sớm khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường xăng dầu và rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành để không tái diễn.
Tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ đồng tình với những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu Quốc hội; bởi xăng dầu là vật tư chiến lược có ý nghĩa sống còn với mọi quốc gia, mọi nền kinh tế.
Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong tháng 9 và đầu tháng 10, thiên tai, bão lũ xảy ra trên biển và nhiều vùng miền của cả nước đã làm chậm các chuyến tàu, xe chở xăng dầu về cung ứng cho các đơn vị bán lẻ.
Mặt khác, thời điểm này, các lực lượng chức năng cả Trung ương và địa phương đã đấu tranh triệt phá thành công một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn đến hàng chục nghìn m3 nên ít nhiều cũng đã có ảnh hưởng tới phân phối, kinh doanh xăng dầu trên một số địa bàn.
Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là nơi có rất nhiều thương nhân phân phối. Theo thống kê, khu vực này có 146/332 thương nhân phân phối của cả nước. Qua khảo sát cho thấy, rất nhiều thương nhân phân phối đã ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng việc mua hàng thường xuyên thì lại không thực hiện. Vì thế, doanh nghiệp đầu mối không thể chủ động nguồn hàng trong kỳ cho hệ thống của mình. Khi khan hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình thì không còn cơ hội và vì thế cũng gây ra sự đứt gãy ở một số nơi.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu.
Mặt khác, tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống một cách hợp lý.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng.
“Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này. Hiện doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần khẩn trương rà soát, cập nhật, phản ánh định mức chi phí, định mức chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và từ chính quyền các tỉnh, thành phố đến 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ trong cả nước, nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời trong quản lý.
Giải pháp cuối cùng là khẩn trương triển khai việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng, lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu rõ, vấn đề quản lý, cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 Bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Vì vậy, để làm tốt việc này không chỉ cần mỗi ngành, mỗi cơ quan chức năng ở Trung ương và chính quyền địa phương làm tốt mà quan trọng hơn là phải hợp tác được với nhau một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả.
Đ. KHOA