Tăng thuế bảo vệ môi trường: Người làm chính sách tự tin, chuyên gia lo ngại
Đối nội - Ngày đăng : 10:30, 03/04/2018
(BKTO) - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương để xin ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 11 mặt hàng. Trong đó, Bộ đề nghị tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít, thay cho mức 1.500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn được đề nghị tăng lên 2.000 đồng/lít so với hiện hành là 900 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg như hiện nay lên 2.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, đối với nilon, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế BVMT lên mức kịch khung là 50.000 đồng/kg thay vì mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg; mức thuế đối với than antraxit dự kiến tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác sẽ tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC tăng lên 5.000 đồng/kg.
Quan điểm của cơ quan soạn thảo chính sách…
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi áp dụng các mức thuế nói trên, tổng số thu thuế BVMT dự kiến đạt khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Trong đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm. Số thu thuế dự kiến đối với than đá khoảng 1.590 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm. Số thu thuế BVMT dự kiến đối với dung dịch HCFC khoảng 63,5 tỷ đồng/năm, tăng 12,7 tỷ đồng/năm. Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 67,5 tỷ đồng/năm, tăng 13,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến sẽ tăng khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế nêu trên nằm trong khung thuế do Quốc hội đã quy định, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế tại Điều 8 Luật thuế BVMT. Về mặt tác động, sự thay đổi này sẽ góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm, góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.
Cùng với các biện pháp quản lý khác, việc tăng mức thuế đối với túi ni lông sẽ định hướng tiêu dùng, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường, góp phần hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Đối với dung dịch HCFC, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT sẽ giúp nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng dung dịch này vào năm 2030, đảm bảo sự tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế.
Về phương án điều chỉnh mức thuế BVMT tăng 1.000 đồng/lít cho mặt hàng xăng, nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động sẽ như sau: đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Hiện mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch đang là 3.000 đồng/lít, cao hơn 150 đồng/lít so với mức dành cho xăng E5. Nếu mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch lên đến 4.000 đồng/lít thì sẽ cao hơn mức thuế dành cho xăng E5 200 đồng/lít. Điều này sẽ giúp cho xăng E5 có giá thấp hơn so với xăng gốc hóa thạch. Như vậy, bên cạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 thấp hơn xăng gốc hóa thạch thì việc tăng mức thuế BVMT như trên sẽ tạo thêm chênh lệch giá giữa hai loại xăng, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, việc tăng thuế BVMT cũng sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do nhằm tránh mức thuế khác nhau với cùng một sản phẩm. Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu như trên sẽ đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đồng với giá bán xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.
Đối với các mặt hàng khác, phương án điều chỉnh tăng mức thuế như trên sẽ tác động đến tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán như sau: tăng từ 0,5-1,1% đối với than; 1,8% đối với dung dịch HCFC và 14,3% đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế.
Sự điều chỉnh tăng mức thuế đối với than sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên than, đảm bảo hợp lý nguồn nguyên liệu này trong sản xuất điện.
Nhìn chung, sự điều chỉnh thuế BVMT cũng sẽ có tác động đến chỉ số tiêu dùng thực tế của hộ gia đình, phúc lợi xã hội và lạm phát. Cụ thể: tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất; phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn; mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.
Chuyên gia và DN nói gì?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vấn đề tăng thuế xăng dầu kịch khung chưa nên thực hiện vào thời điểm này bởi 3 lý do: một là, Chính phủ cần tái cơ cấu cả thu và chi ngân sách; hai là, từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp cố gắng không tăng thuế, phí vì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, thu nhập của người dân thấp; ba là, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm nay đã tăng 0,51% - mức cao so với chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm khoảng 4%.
Việc tăng thuế BVMT đối với xăng sẽ kéo theo tình trạng tăng giá bán lẻ, làm ảnh hưởng đến lạm phát, bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động. Bộ Tài chính cho rằng khi tăng thuế BVMT đối với xăng lên 1.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế này trong giá bán sẽ tăng khoảng 4,9%.
Tuy nhiên, cách đánh giá như vậy là không đầy đủ, chưa phản ánh đúng thực tế, bởi giá xăng dầu tăng thì sẽ tác động toàn diện đến giá cả các mặt hàng khác. Hơn nữa, việc lý giải tăng thuế BVMT là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực cũng không thuyết phục. Đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu đã cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng.
Ông Long đề xuất, thay vì tăng thuế, Bộ Tài chính nên tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng đối tượng chịu thuế.
Ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng: thuế BVMT là một trong những yếu tố căn bản hình thành giá cơ sở xăng dầu nên khi tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít thì chắc chắn giá bán xăng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, ông Chiểu ủng hộ việc đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính. Đồng thời theo ông Chiểu, Chính phủ cần phải đánh giá tổng thể, toàn diện các chính sách về thu tài chính, ngân sách, trên cơ sở đó cơ cấu lại chính sách thu, đảm bảo quan hệ giữa thuế gián thu và thuế trực thu phù hợp.
Cụ thể là, điều chỉnh theo hướng mở rộng thuế gián thu, huy động hợp lý thuế trực thu để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của DN; chính sách thu phải đảm bảo tính trung lập, công bằng về thuế giữa DN lớn với DN vừa và nhỏ, khuyến khích việc thành lập và phát triển DN trong nước, DN vừa và nhỏ, mở rộng cơ sở thuế với các sắc thuế gián thu. Về thuế suất huy động, cần sửa đổi theo hướng tiệm cận với khu vực và thế giới. Đặc biệt là, chính sách thu cần sớm khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực tài chính quốc gia, tình trạng gian lận thương mại để trốn thuế, lậu thuế, gian lận thuế. Công tác thanh tra, kiểm tra về thuế càng phải được chú trọng bên cạnh việc đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, hợp lý.
Một nội dung khác cũng liên quan đến chính sách thuế BVMT là thực trạng chi tiêu trong lĩnh vực BVMT. Về vấn đề này, GS.TS. Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đưa ra đánh giá: năm 2018, mức chi ngân sách cho hoạt động BVMT không cao nhưng chính sách cũng không thay đổi, chẳng hạn, mức chi cho nhận thức cộng đồng vẫn giữ nguyên từ 12 năm nay, bởi thế quy định phân bổ ngân sách trong lĩnh vực môi trường cần được điều chỉnh hợp lý. Theo ông Võ, giai đoạn này Việt Nam phải tập trung nhiều kinh phí hơn cho công tác hỗ trợ xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm, giảm thiểu việc tổ chức hội thảo và các hoạt động quảng bá, đồng thời cần có chính sách bắt buộc đơn vị gây ô nhiễm môi trường phải chi trả cho việc xử lý để giảm chi ngân sách đối với nội dung này. Hiện nay, Nhà nước mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính song mức xử phạt thấp và không tính vào ngân sách.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội - nêu quan điểm: điều quan trọng khi tăng thuế BVMT là người dân được hưởng gì. Bên cạnh việc tăng thuế BVMT, Chính phủ cần siết chặt hơn với những vấn đề khác có liên quan như quy định về khí thải đối với DN sản xuất phương tiện giao thông, quản lý và hạn chế xe cũ quá niên hạn… để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Gần đây, khi phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi nhanh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và DN.
Trong khi đó, những chính sách này thường được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, còn quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải nâng cao năng lực dự báo, đánh giá kỹ tác động của chính sách thuế trước khi ban hành, quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu thuế và thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế…
THU HƯỜNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018