Những “đích đến” không thể thiếu hành trang kỹ năng nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 10:37, 01/11/2022

(BKTO) - Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thích ứng với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, bắt kịp các nước phát triển… là những mục tiêu mà Việt Nam đặt ra trong tương lai. Chặng đường hướng tới những “đích đến” ấy không thể thiếu hành trang kỹ năng nghề.


                
   

Việc nâng cao kỹ năng nghề cho lao động sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh:Internet

   

Nhiều quốc gia tăng trưởng dựa trên kỹ năng nghề, Việt Nam thì sao?

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về chiến lược đào tạo G20 cho thấy, kỹ năng nghề có ý nghĩa quyết định tới NSLĐ và nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đóng góp vào tăng trưởng GDP. Ở các nước châu Âu, nếu số ngày đào tạo kỹ năng tăng thêm 1% thì NSLĐ tăng thêm 3% và 16% tăng trưởng NSLĐ tổng thể là nhờ vào đào tạo kỹ năng.

Một nghiên cứu mới đây của Ban An sinh xã hội và Việc làm toàn cầu thuộc Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, trong bối cảnh lực lượng lao động (LLLĐ) đang già hóa và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2040, cộng với sự tác động của CMCN 4.0, người lao động cần phát triển đa dạng các kỹ năng để tiếp tục cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu ở cả hiện tại và tương lai. Ngay cả những nền kinh tế phát triển như Đức, Hàn Quốc cũng tăng trưởng dựa vào LLLĐ có kỹ năng nghề nghiệp.

Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là động lực thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Để góp phần thực hiện tiến trình đó, chất lượng của LLLĐ và trình độ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động giữ vai trò quyết định.
                
   

Mức độ thiếu hụt kỹ năng lao động theo đánh giá của DN. Nguồn: Tổng cục GDNN.

   

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, LLLĐ có kỹ năng nghề của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình hằng năm có thêm khoảng 1 triệu người tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 26,1% trong tổng số LLLĐ. Phần lớn LLLĐ (khoảng 74%) chưa được công nhận trình độ kỹ năng nghề dù vẫn tham gia thị trường lao động.

Còn theo Viện Khoa học và Lao động Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cơ bản, cốt lõi để thích ứng với thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0.

Trên 65% DN nhận định, đa số lao động của họ còn thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cần thiết lẫn kỹ năng cơ bản, cốt lõi khác. Mức độ thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, nền tảng còn cao hơn sự thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật. Ở các DN có ứng dụng công nghệ cao, mức độ thiếu hụt kỹ năng là cao hơn.

Những hạn chế trên đã khiến NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Theo đánh giá của ILO, NSLĐ của Việt Nam hiện nay bằng 1/26 của Singapore, 1/3 của Thái Lan, 1/7 của Malaysia, 1/2 của Philippines.

Một thách thức lớn nữa đặt ra cho Việt Nam chính là sự già hóa dân số với tốc độ nhanh dẫn đến người lao động bị lạc hậu và thiếu hụt kỹ năng trước yêu cầu của công nghệ mới nếu như không được đào tạo, cập nhật.
         
Khảo sát tại các DN của Viện Khoa học Giáo dục năm 2020 cho biết, nhóm lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh có mức độ thiếu hụt kỹ năng nhiều nhất (1,37/2 điểm), tiếp đến nhóm lao động gián tiếp (1,28/2 điểm) và nhóm lao động quản lý (1,17/2 điểm). Trong tất cả các kỹ năng/năng lực, năng lực ngoại ngữ thiếu hụt nhiều nhất (từ 1,39 đến 1,64 điểm), tiếp đến là tin học (từ 1,19 đến 1,48 điểm), tư duy sáng tạo và tính tự chủ (từ 1,18 đến 1,4 điểm) và kỹ năng kinh doanh (1,17 đến 1,4 điểm).

Chuẩn hóa kỹ năng nghề để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao

Để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bắt kịp các nước phát triển, Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục sự thiếu hụt về kỹ năng cho LLLĐ. Đó là lý do để Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu xây dựng Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.
                
   

Việt Nam cần lấp đầy khoảng trống về phát triển kỹ năng cho người lao động. Nguồn: Tổng cục GDNN.

   

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: Chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động giúp hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao để nâng cao NSLĐ, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế; nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng LLLĐ Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước ASEAN-4 và tiếp cận các nước phát triển.
         
Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030: Chuẩn hóa trình độ KNNQG cho khoảng 50% LLLĐ; đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% LLLĐ; trên 90% lao động được chuẩn hóa kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế.
   Mục tiêu đến năm 2045 là: Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp, tiến cùng trình độ tiên tiến của thế giới; nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề LLLĐ thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ mới.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của DN và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp. Phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia trình độ kỹ năng nghề cao.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam./.

THÀNH ĐỨC