Ngân hàng cần chính sách ưu đãi để thúc đẩy tín dụng xanh

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:38, 01/11/2022

(BKTO) - Việc phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do thiếu cơ chế.


                
   

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, nhiều ngân hàng đã dành nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực tăng trưởng xanh. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và NHNN, sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao.

Kết quả khảo sát của NHNN cũng cho thấy sự hiểu biết của các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được nâng lên và cải thiện đáng kể.

Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh; dành nguồn vốn cấp tín dụng cho các lĩnh vực này và có sự ưu đãi về lãi suất...

TS. Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết thêm, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và Ngân hàng bền vững (SBFN); xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết (NDCs).

Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Mặc dù hoạt động tín dụng xanh có những tín hiệu tích cực song theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đưa ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - cho rằng: Cần sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như dữ trữ bắt buộc, tái cấp vốn và một số công cụ khác như hạn mức tăng trưởng tín dụng để tăng khuyến khích cho các ngân hàng thương mại xanh; xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh; hỗ trợ các TCTD đang cung cấp tín dụng xanh được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế…

Bà Michele Wee - Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - khuyến nghị: Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các ngân hàng thương mại đánh giá khi cấp tín dụng xanh. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh.

Nhiều đại biểu cũng khẳng định sự ổn định, nhất quán, minh bạch trong chính sách chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tín dụng xanh./.
THÀNH ĐỨC