Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:38, 01/11/2022

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để



Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, việc xây dựng dự toán thu NSNN chưa sát thực tế. Ảnh sưu tầm

Dự toán thu thận trọng, chưa sát thực tế

Từ báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, có thể thấy tình hình thực hiện thu NSNN năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, từ đó đảm bảo được nhiệm vụ chi. Mặc dù chúng ta thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các biện pháp giảm thuế để kiểm soát lạm phát, song thu NSNN 9 tháng đã đạt 94% dự toán, ước thực hiện cả năm tăng 14,3%.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng dự toán thu NSNN không sát thực tế, còn quá thận trọng có thể làm giảm không gian của chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) theo quy định của Hiến pháp và Luật NSNN chưa được bảo đảm; tỷ trọng thu NSTW đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN. Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, bởi phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2.800 tỷ đồng, giảm 37.200 tỷ đồng so với dự toán.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phân tích, làm rõ việc thu NSNN tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và Nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) chỉ ra, năm 2022, chúng ta thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, đặc biệt là thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã giảm 2%, từ 10% xuống 8%. Khi xây dựng nội dung này, Chính phủ đã đánh giá và dự kiến hụt thu liên quan về thuế GTGT, nhưng thực tế thu vượt rất cao, nếu trừ đi miễn, giảm thuế thì tăng trên 29%, trong khi đó tốc độ tăng tỷ giá bán lẻ hàng hóa chỉ khoảng 18,5%. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này để tính toán các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Có chung nhận định dự toán thu NSNN năm 2022 còn khá thận trọng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhiều khoản thu vẫn còn dư địa tăng thêm, nhất là các khoản thu NSNN được giãn, gia hạn theo các nghị quyết của Chính phủ có thể tiếp tục thu vào thời điểm cuối năm và số thu có thể cao hơn dự kiến của Chính phủ.

Gỡ “nút thắt” giải ngân

Dẫn chứng năm 2021, việc thực hiện dự toán thu NSNN mặc dù rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song kết quả thực hiện vẫn vượt 225.000 tỷ đồng so với dự toán, đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị Chính phủ rà soát kỹ tất cả nguồn thu để đánh giá chính xác, sát với tình hình thực hiện, từ đó xây dựng một nền dự toán đảm bảo sát nhất khi xây dựng dự toán NSNN năm 2023. Trên cơ sở những kết quả của năm 2022, đại biểu đề nghị xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 tích cực hơn, là cơ sở để dự toán bội chi NSNN ở mức thấp hơn. Trong đó, Chính phủ cần quan tâm đến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn vì toàn bộ nguồn thu này sẽ dành cho đầu tư phát triển. Nếu không có các giải pháp đẩy mạnh, sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nhận xét, nếu tính toán tốc độ tăng trưởng so với tốc độ lạm phát thì dự toán thu NSNN năm 2023 hiện nay đang ở mức khiêm tốn, chưa cao so với tính toán theo thông lệ chung là dự toán thu ngân sách của năm sau cao hơn tốc độ tăng trưởng, chỉ số lạm phát. Song trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay có nhiều bất ổn không thể dự báo trước nên ước thực hiện dự kiến dự toán thu NSNN năm 2023 như đề xuất của Chính phủ là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, khi đưa ra dự toán, sau đó thu vượt thì việc phân bổ, triển khai thực hiện nguồn tăng thu còn rất bị động, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, “có thể đưa ra mức dự toán vừa phải nhưng phải có chế tài liên quan khi triển khai thực hiện, trong trường hợp tăng thu sẽ thực hiện nhiệm vụ gì” - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nêu quan điểm.

Đối với chi NSNN, nhiều ý kiến cho rằng, điểm nghẽn trong đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần xem xét, chỉ đạo và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công chậm do nguyên nhân chủ quan của các đơn vị, địa phương. Đặc biệt, theo đại biểu Hòa, với cách làm hiện nay là ghi vốn trước rồi mới làm hồ sơ dự án sau, sẽ dẫn đến tình trạng “vốn chờ hồ sơ”. “Vốn bố trí trong một năm mà phê duyệt hồ sơ mất nửa năm thì không thể tổ chức thực hiện được, là nguyên nhân khiến giải ngân chậm” - đại biểu Hòa nói và đề nghị Chính phủ xem xét để có cách làm hiệu quả, thiết thực hơn./.
Đ. KHOA