Tìm phương hướng xử lý các tồn tại, khó khăn của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất
Đầu tư - Ngày đăng : 10:38, 01/11/2022
(BKTO) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) sẽ tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế và sẽ trình lên cấp trên xem xét, đưa ra các phương hướng xử lý giúp Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) có hướng đi tốt nhất trong thời gian sắp tới.
Đó là khẳng định của ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBQLVNN, Trưởng đoàn công tác của UBQLVNN khi khảo sát thực địa và làm việc với DQS - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ngày 26/10.
Đoàn công tác của UBQLVNN khảo sát thực địa tại DQS. Ảnh: UBQLVNN |
Tại DQS, hiện có 2 tàu nước ngoài được triển khai sửa chữa, 2 tàu khác vừa rời DQS sau khi hoàn tất sửa chữa.
Ông Nguyễn Anh Minh - Tổng Giám đốc DQS cho biết, DQS dự kiến sẽ triển khai xây dựng theo quy hoạch các hạng mục đã được duyệt như: vị trí xây dựng dock số 2; cầu tàu trang trí 1 và 2; bãi chứa vật liệu, cầu tàu nhập nguyên vật liệu…
Theo thông tin từ DQS,thời điểm Petrovietnam nhận chuyển giao Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất (ngày 30/6/2010), số lao động lúc đó là 2.340 người, với 7 đơn vị thành viên và Dự án không thu xếp được vốn, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ khai thác.
Từ sau 30/6/2010, Petrovietnam đã quyết liệt thực hiện tái cấu trúc DQS, sắp xếp các đơn vị có ngành nghề kinh doanh phù hợp; đồng thời thiết lập mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả và tập trung nguồn lực, tái thiết hoạt động đóng mới, sửa chữa tàu.
Hiện tại, số lao động của DQS là 657 người, trong đó có 497 công nhân làm việc trực tiếp. DQS đã bố trí đủ việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động, bình quân đạt 10 triệu đồng/tháng, tăng 3,6 lần so với trước.
Bên cạnh đó, Petrovietnam đã chủ động thực hiện tái cấu trúc và hoạt động đầu tư. Tập đoàn đã yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho DQS thực hiện cung cấp dịch vụ và sửa chữa cho các đơn vị trong ngành dầu khí; cũng như hỗ trợ DQS tiếp tục thực hiện các hợp đồng chưa hoàn thành và khuyến khích DQS chủ động tìm kiếm, mở rộng dịch vụ thị trường ngoài ngành.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh giai đoạn 2010-2021, doanh thu của DQS đạt 5.181 tỷ đồng. DQS đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định doanh thu với các hợp đồng, hoạt động gia công, sửa chữa tàu.
Lãnh đạo DQS cho biết, nếu không gánh chịu các chi phí, rủi ro phát sinh từ giai đoạn trước khi bàn giao thì kết quả kinh doanh của Công ty giai đoạn 2010-2021 có thể bù đắp được chi phí hoạt động.
Riêng năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện tổng số 26 đơn hàng, trong đó có 18 đơn hàng ngoài ngành. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của DQS bằng 103% kế hoạch năm đã được Petrovietnam phê duyệt và đạt 114% so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2022, DQS đạt doanh thu hơn 520 tỷ, bằng 144% kế hoạch 9 tháng. Ước tính, các dự án trong 3 tháng cuối năm sẽ mang lại thêm doanh thu hơn 97 tỷ đồng. |
Doanh thu các năm gần đây cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ của DQS sau khoảng thời gian thua lỗ và đứng trước bờ vực phá sản.
Tại buổi làm việc, đại diện Petrovietnam và các đại biểu đã thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm xử lý tồn tại, khó khăn tại DQS. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đã báo cáo, kiến nghị với đoàn công tác để tháo gỡ những vấn đề mà DQS đang gặp phải.
Thời gian qua, DQS đang kinh doanh có lãi, dòng tiền vẫn đang dương, tạo được việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, đơn vị vẫn duy trì và trả được nợ gốc cho các ngân hàng.Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các giải pháp và mong rằng các cơ quan chức năng cùng các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để DQS mở rộng, phát triển hơn nữa”, ông Phạm Tiến Dũng đề xuất.
Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, những vấn đề mà DQS đang gặp phải cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tìm ra hướng giải quyết. UBQLVNN sẽ tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế và sẽ trình lên cấp trên xem xét, đưa ra các phương hướng xử lý giúp DQS sớm có hướng phát triển tốt nhất./.
PHÚC KHANG