Đại biểu Quốc hội “hiến kế” xử lý tình trạng lãng phí đất đai, tài sản công

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 01/11/2022

(BKTO) - Đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), tại phiên thảo luận về kết quả giám sát, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và có giải pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án treo, quy hoạch treo.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: VPQH  

Kiên quyết xử lý dự án treo, chậm tiến độ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đánh giá, việc Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề việc THTK, CLP là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực và phát triển đất nước.

Qua nghiên cứu báo cáo giám sát, trực tiếp giám sát và qua tiếp xúc cử tri, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo.

“Đây là những lãng phí vô cùng lớn, thứ nhất là lãng phí về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước, nhưng lãng phí lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu.

Theo đại biểu, Luật Đất đai sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này, dự kiến tháng 10/2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành có thể từ ngày 01/4/2024. Từ nay đến thời điểm đó còn khá dài, do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn. Cụ thể như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Từ kết quả giám sát, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, trực tiếp và dễ nhận diện nhất, đó là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang còn bị lãng phí rất lớn. Đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.

Dẫn phụ lục báo cáo giám sát chỉ ra có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hóa, gây lãng phí, đại biểu chỉ rõ, chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai. Tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý một cách kịp thời, chưa tạo ra một động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp kể từ sau khi Quốc hội giám sát vào năm 2018 đến nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu kiện đông người liên quan đến đất của nông, lâm trường tại các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị những vấn đề này cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra là huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trở thành một động lực đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển.

Nhiều trụ sở bị bỏ hoang lãng phí sau sáp nhập

Cũng liên quan đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu phản ánh về tình trạng quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí.
                

   Đại biểu Đặng Bích Ngọc phản ánh tình trạng lãng phí trụ sở làm việc sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Ảnh: VPQH   

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) chỉ ra thực tế, hiện nay, trụ sở làm việc ở những nơi đã sáp nhập bỏ hoang, trong khi nơi đặt trụ sở chính thực hiện nhiệm vụ lại chưa đáp ứng điều kiện, không đảm bảo đủ phòng làm việc theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức. Có những xã vẫn phải sử dụng trụ sở tại 2 xã cũ, gây khó khăn trong việc đi lại của cán bộ, công chức và người dân. Có những nơi trụ sở mới được xây dựng nhưng khi sáp nhập lại bỏ hoang, gây lãng phí, xuống cấp nghiêm trọng, đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý và giải quyết. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và có giai đoạn để ổn định cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) chỉ ra, còn nhiều trụ sở bỏ không hoặc chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp còn gặp khó khăn, do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, giá trị giảm do không nằm ở vị trí trung tâm.

Trong khi đó, một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức, cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở bị bỏ hoang.

“Một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chậm thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư. Một số cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng, giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực” - đại biểu phản ánh.

Theo đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Pháp luật hiện nay chưa có quy định về thời hạn xử lý tài sản dôi dư do sắp xếp tổ chức, bộ máy; một số vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi, bán trụ sở làm việc; quy trình xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể còn nhiều bất cập.

“Tôi đồng tình cao với nguyên nhân đã nêu trong báo cáo giám sát là công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài, không kịp thời xử lý các vướng mắc nên khó khăn trong việc thu hồi, sắp xếp, nhiều tổ chức, cá nhân cố chây ỳ tiếp tục đề xuất giữ lại cơ sở nhà đất để sử dụng không đúng mục đích. Nhưng tôi cho rằng việc thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền vẫn là chủ yếu” - đại biểu thẳng thắn chỉ rõ và kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở, cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý theo quy định.

Đ. KHOA