10 tháng: Thu ngân sách tăng 16,2% nhưng thu nội địa có xu hướng giảm
Kinh tế - Ngày đăng : 11:06, 01/11/2022
10 tháng, số thu nội địa tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... Ảnh: Internet. |
Cụ thể, tháng 10, thu NSNN ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước, chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý (như: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT)... ) phát sinh quý III các doanh nghệp (DN) đã kê khai nộp trong tháng 10 và thực hiện thu vào NSNN tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022.
Tuy nhiên, không kể các khoản tăng thu này, số thu nội địa tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá tăng, suy giảm kinh tế trên toàn cầu.
Thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thu tháng trước. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế 10 tháng, thu NSNN ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán (trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 103,6% dự toán, ngân sách địa phương ước đạt 103,8% dự toán), tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 96,3% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Thu từ dầu thô ước đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, tăng 95% so cùng kỳ năm 2021. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Trong thu nội địa, đến hết tháng 10, có 6 khoản thu vượt dự toán (thuế TNCN, các loại phí, lệ phí, các khoản thu về nhà đất, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác và thu khác ngân sách).
Ngoài ra, 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 91,8% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 91,9% dự toán, tăng 6%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 87,4% dự toán, giảm 1,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 95,3% dự toán, tăng 3,9%.
Xét theo sắc thuế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ở 3 khu vực kinh tế mặc dù vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ song đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây là thuế GTGT ước đạt 85,3% dự toán, tăng 11,7% và thuế TNDN đạt 91,4% dự toán, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ước tính có 62/63 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng tiến độ đạt trên 85% dự toán; 51/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 12 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ./.