Nhật Bản chi 43 tỷ USD cho các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ trong tháng 10
Tài chính - Ngày đăng : 17:40, 01/11/2022
Khoảng cách lãi suất khiến đồng yen suy yếu
Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của đồng yen so với đồng USD là khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng do chính sách tiền tệ của hai nước khác nhau.
Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhiều lần tăng lãi suất cơ bản USD để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4%. Trong khi đó, BoJ đang tiếp tục giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm gần bằng không. Chênh lệch lợi suất đang thúc đẩy các nhà đầu tư rót vốn vào đồng đô la Mỹ thay vì yen, gây áp lực giảm giá mạnh lên đồng nội tệ Nhật Bản.
Phó thống đốc BoJ Masazumi Wakatabe gần đây cho rằng, những biến động của đồng yen rõ ràng là quá nhanh và quá phiến diện, đồng thời cảnh báo về thiệt hại kinh tế tiềm ẩn từ sự sụt giảm của đồng tiền này. Nhật Bản đang đứng trước thế lưỡng nan, khi vừa phải nỗ lực ngăn cản sự lao dốc quá mạnh của đồng yen lại vừa phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để đạt mục tiêu lạm phát 2% và cho đến khi tiền lương tăng cao hơn.
Đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (core CPI) của Nhật Bản đã tăng 2,8% trong tháng 8, vượt mục tiêu 2% của BoJ trong tháng thứ năm liên tiếp, khi áp lực giá từ nguyên liệu thô và mức độ suy yếu của đồng yen gia tăng. Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda vẫn cho rằng lạm phát có thể sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tài chính tới.
Đồng yen giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác đang khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài, khi mức lương trung bình của công nhân Nhật Bản tính theo USD đã giảm 40% trong thập niên qua.
Mức chi kỷ lục trong tháng 10
Ngày 22/9/2022, Chính phủ Nhật Bản và BoJ đã quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiềm chế sự mất giá của đồng yen sau khi nó chạm mức 145 JPY/USD. Đây cũng là lần đầu tiên sau 24 năm (1998) quốc gia này phải thực hiện can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng yen và bán ra đồng USD. Theo thống kê Nhật Bản đã chi 2.840 tỷ yen (19,09 tỷ USD) trong tháng 9.
Sang tháng 10, những biện pháp can thiệp thị trường tiếp tục được Chính phủ quốc gia này sử dụng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản vừa công bố, Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục lên đến 6.350 tỷ yen (43 tỷ USD) cho các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ trong tháng 10, để nỗ lực chặn đà mất giá của đồng nội tệ.
Đánh giá về biện pháp này, Bộ trưởng Suzuki cho biết để nâng cao tối đa hiệu quả biện pháp can thiệp ngoại hối trong tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng phương pháp can thiệp không công khai và đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc kiểm soát đà giảm giá của đồng yen.
Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, đồng thời đưa ra biện pháp ứng phó thích hợp trong trường hợp biến động quá mức xảy ra. Bộ trưởng Suzuki cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ một lần nữa sử dụng biện pháp can thiệp trong trường hợp biến động tỷ giá, đồng yen suy yếu quá nhanh.
Tính đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản là 1.240 tỷ USD, bao gồm trái phiếu nước ngoài, tiền gửi, vàng và một số loại tài sản khác. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các biện pháp can thiệp thông qua việc sử dụng khoản tiền này để bán USD và mua yen.
Việc đồng yen suy yếu đã giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề "đau đầu" cho quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên này, khi giá nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu, thực phẩm và các mặt hàng khác trở nên đắt đỏ.
Vào 9 giờ sáng nay (1/11) ở thị trường Tokyo, tỷ giá mua - bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 148,72-75 yen/USD, tăng nhẹ so với mức 148,00-02 yen/USD trên thị trường này vào lúc đóng cửa chiều qua (31/10).