Hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức Hợp đồng EPC
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:31, 02/11/2022

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các trường Đại học, các doanh nghiệp, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam.
Về phía KTNN có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao.
Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.
Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn.
Các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này.

Cụ thể, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC còn bất cập, thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện theo mô hình này.
Nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt đối với các dự án mới, công nghệ cao. Nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.
Nhiều dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước; công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này
Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm.
Tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã gợi ý những vấn đề mà các chuyên gia, các đại biểu cần tập trung tham luận, trao đổi, thảo luận.
Một là, làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Hai là, tập trung làm rõ nhiệm vụ và vai trò của KTNN trong việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.
Ba là, tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị được kiểm toán.
Bốn là, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với các dự án thực hiện theo hình thức EPC.

Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung tham luận để làm sáng tỏ các vấn đề: quản lý dự án theo hình thức tổng thầu EPC; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC; kết quả kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng EPC của KTNN thời gian qua và định hướng thời gian tới; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC…
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội thảo tới bạn đọc.
H.THOAN-N.LỘC