Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm việc với KTNN về quyết toán NSNN năm 2016

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:20, 04/04/2018

(BKTO) - Sáng ngày 3/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có buổi làm việc với KTNN, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan về quyết toán NSNN năm 2016 và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, nhằm phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016 và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.


Tham dự buổi làm việc có các thành viên trong thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam; đại diện Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Kho Bạc Nhà nước, Tổng Cục thuế.

Về phía KTNN, tham dự buổi làm việc có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh:NGỌC BÍCH

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 đã nêu lên một số tồn tại chủ yếu trong công tác thu NSNN như: tình trạng lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định, chưa bao quát hết nguồn thu còn xảy ra tại một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN…vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán (đặc biệt là DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài); tình trạng nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng…

Đối với công tác quản lý chi NSNN, Báo cáo nêu rõ tình trạng lập và giao dự toán đầu tư còn chậm; giao chưa đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ; phân bổ vốn chưa sát thực tế dẫn đến giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, không có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không tuân thủ thứ tự ưu tiên…

Trong lập và giao dự toán chi thường xuyên vẫn còn tình trạng các Bộ, ngành, địa phương phân bổ dự toán vượt định mức hoặc ngoài định mức; hỗ trợ kinh phí không đúng quy đinh; giao dự toán cao hơn biên chế được giao…

Trong chấp hành dự toán chi NSNN, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm; chi chuyển nguồn tăng cao…

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.

Thảo luận tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của KTNN với nhiều nội dung quan trọng, số liệu đầy đủ, cụ thể, cung cấp thông tin rất có ý nghĩa đối với cơ quan thẩm tra. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến chính sách thu, cải cách hành chính trong thu NSNN; tình trạng nhiều dự án đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng kém hoặc không có hiệu quả, gây lãng phí; tình trạng trốn thuế tại các DN.

Cơ bản đồng tình với những đánh giá trong báo cáo của KTNN, các đại biểu cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân sách có xu hướng ngày càng trầm trọng. Điển hình như tình trạng nợ xây dựng cơ bản lớn; chi chuyển nguồn ngày càng tăng; khởi công dự án mới khi chưa thanh toán hết nợ cũ xảy ra tại nhiều địa phương…

Liên quan đến tình hình nợ đọng thuế, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần sớm trình phương án xóa các khoản nợ để minh bạch hóa bức tranh tài chính.

Đối với Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo rõ về kết quả việc xử lý tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các năm 2014, 2015, 2016.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ cũng đã giải trình làm rõ thêm các nội dung liên quan đến kiến nghị của KTNN, đồng thời tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương gửi báo cáo chính thức để Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc, Tiểu ban Kế toán, kiểm toán (Ủy ban Tài chính- Ngân sách) cần nghiên cứu, rà soát xây dựng, hoàn thiện 2 báo cáo thẩm tra để tiếp tục lấy ý kiến của KTNN, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo đó, Báo cáo cần tập trung đánh giá sâu về chính sách tài khóa; nêu rõ các vấn đề bất cập, tồn tại nổi lên như: tình trạng chi chuyển nguồn qua nhiều năm, vấn đề nợ công; nợ xây dựng cơ bản, vấn đề quản lý thu từ DN ngoài quốc doanh và DN đầu tư nước ngoài, chính sách thu NSNN, xử lý nợ đọng thuế.

Liên quan đến việc quyết toán đối với 4 dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển đổi từ hình thức vay về cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có báo cáo tổng thể về vấn đề này, nêu rõ thực trạng, cơ sở pháp lý để có phương án xử lý dứt điểm.
Đ. KHOA